Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám nhìn từ góc độ văn hóa (Phần I)

Dưới cách nhìn nhận của văn hóa, Cách mạng Tháng Tám không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị,, mà còn là một cuộc cách mạng văn hóa, một thắng lợi văn hóa.
tinh-ly-cuoi-cung-gianh-duoc-chinh-quyen-trong-cmt8-256-1568260309-width714height500-1660881252.jpg
 

Ánh sáng văn hóa Đảng đã soi rọi, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của dân tạo nên sức mạnh vật chất to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Thông qua Cách mạng còn là thắng lợi về văn hóa và mở đường cho xây dựng văn hóa mới tiếp tục làm cho văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 minh chứng hùng hồn sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, mở đường cho đất nước phát triển theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Trong đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng mọi thế lực thù địch.

Suy cho cùng đó chính là văn hóa cầm quyền của Đảng đã khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc tạo nên sức mạnh vật chất làm nên thành công của cách mạng. Văn hóa đã thấm sâu vào trong Đảng, trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh nội sinh nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Nên Cách mạng Tháng Tám không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị, một cuộc đảo lộn chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng văn hóa, một thắng lợi văn hóa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có nguồn gốc từ ánh sáng văn hóa Đảng cầm quyền.

Văn hóa Đảng tức là cái hay là giá trị của Đảng, là nguồn gốc nội sinh để gây dựng tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng, là cơ sở để đề ra đường lối đúng đắn, là cơ sở để tập hợp vận động quần chúng làm nên thắng lợi của Cách mạng. Văn hóa Đảng được thể hiện ở nội dung cốt lõi là mục tiêu lý tưởng của Đảng, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng; là mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Cuối thế kỷ XIX, độc lập, chủ quyền của Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp.

Dân ta một cổ hai tròng, vừa chịu ách thống trị của thực dân, vừa chịu ách cai trị của phong kiến. Nhiều thế hệ các nhà yêu nước đã tìm đường cứu nước, nhiều phương sách chính trị đã được áp dụng để đất nước thoát khỏi ách thực dân. Nhưng chỉ có Đảng Cộng sản là tổ chức chính trị duy nhất làm được điều đó. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ đen tối của dân tộc, mở ra tương lai tươi sáng cho nhân dân ta. Nên, ngay từ khi mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”[1].  

Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lại là một sản phẩm của văn hóa chính trị Việt Nam; là một hiện thân của văn hóa. Nhờ vậy, Đảng đã quy tụ xung quanh mình tất cả các lực lượng yêu nước và nhanh chóng giành quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên vị trí của một Đảng cầm quyền như một tất yếu lịch sử.

Sự lãnh đạo của Đảng để đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự lãnh đạo bằng văn hóa. Tức là, Đảng lấy cái đạo đức và cái văn minh của mình để gây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng, đi theo Đảng để tiến hành cách mạng. Vì từ chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng đều hàm chứa những giá trị văn hóa; những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều hợp lòng người, những con người trong Đảng đều là tấm gương mẫu mực về nhân cách. Đảng còn là một tổ chức chính trị chân chính, trung thực, trung thành, quang minh, chính đại, trước sau như một đều nhất quán một tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý và chính nghĩa, vì độc lập cho Tổ quốc, vì hạnh phúc cho nhân dân. Đảng là một lực lượng tiến bộ, là một bộ phận tinh hoa của xã hội, là một tập thể văn minh và nhân danh văn minh để chống lại dã man tàn bạo.

Đảng mang trong mình bản chất tốt đẹp của giai cấp tiến bộ nhất trong lịch sử. Mục tiêu cách mạng của Đảng không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám do sự khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc.

Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước dân tộc ta đã có bề dày về truyền thống văn hóa. Trong Cách mạng Tháng Tám những truyền thống văn hóa đó lại được khơi dậy và phát huy, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn đưa cách mạng đến thắng lợi. Cái lớn nhất của văn hóa dân tộc từ ngàn năm cho đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, lòng khát khao tự do của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống văn hóa đó đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy, nó lại khơi dậy và phát huy tạo nên sức mạnh vật  chất vô cùng to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2].

Cùng với lòng yêu nước là tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc. Đó là một tình cảm tự nhiên (Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng). Đó là một triết lý nhân sinh (Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao).

Đó là một phép ứng xử và tư duy chính trị rất cụ thể và sâu sắc của người Việt Nam (Nước mất thì nhà tan/Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh). Từ truyền thống đoàn kết dân tộc để đi tới Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã từng kêu gọi: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”[3]. Từ lời kêu gọi đó, tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái,… đã tập hợp dưới ngọn cờ của mặt trận Việt Minh, thành những tổ chức cứu quốc. (còn nữa)

 


[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG – ST, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 403.

[2] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG – ST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 38.

[3] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG – ST, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 226.

Thạc sĩ: Nguyễn Hồng Điệp