Các nước châu Phi đối mặt khủng hoảng rác thải

Tunisia (Tuy-ni-di) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải có nguy cơ khiến tình trạng bất ổn xã hội lan rộng ở nước này.

Mỗi năm, Tunisia thải ra khoảng 2,6 triệu tấn rác. Theo chuyên gia xử lý chất thải Walim Merdaci, khoảng 85% lượng rác thải của nước này được tập kết tại các bãi chôn lấp, trong khi phần còn lại bị vứt bừa bãi. Cuộc khủng hoảng đang ngày càng nghiêm trọng khi nhiều cơ sở phải xử lý lượng rác thải sắp vượt quá công suất chôn lấp và chịu sự phản đối của các cộng đồng xung quanh do các vấn đề về môi trường và sức khỏe.

Phần lớn trong số 11 bãi rác chính thức của nước này sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022, buộc nhà chức trách phải gấp rút tìm địa điểm mới. Tại thủ đô Tunis, nơi sinh sống của khoảng 2,7 triệu người, tình hình đặc biệt khẩn cấp. Bordj Chakir, bãi rác lớn nhất Tunisia, với công suất tiếp nhận hơn 3.000 tấn rác/ngày đang gần như quá tải.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng rác thải cũng đem đến cơ hội cho một số người, trong đó có ông Tarek Masmoudi, chủ sở hữu của African Recycling, một trong số ít các công ty tái chế tại Tunisia. Mỗi ngày, dòng xe tải lại đều đặn chở rác đến cơ sở có công suất xử lý 6.000 tấn rác/năm của ông Masmoudi ở Mghira, gần thủ đô Tunis. Tại đây, các kiện rác thải nhựa được cân, phân loại và cắt nhỏ thành dăm mịn để sử dụng trong công nghiệp.

Phần lớn lượng rác này do những người thu gom không chính thức thu thập trên đường phố và trong các thùng rác tại thủ đô Tunis. Công ty African Recycling trực tiếp sử dụng khoảng 60 nhân công, trong đó có nhiều phụ nữ và gián tiếp tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 người, con số không nhỏ tại một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18% này.

Theo số liệu chính thức, chỉ khoảng 4-7% rác thải của Tunisia được tái chế. Tuy nhiên, ông Masmoudi cho rằng thị trường rác thải đang tăng trưởng nhanh chóng và tái chế rác thải có thể góp phần tạo ra công ăn việc làm và giúp tăng thu nhập ở Tunisia.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở nước láng giềng Algeria (An-giê-ri) khi 60% rác thải sinh hoạt của 43 triệu dân nước này không được thu gom đúng quy định. Cơ quan tư vấn bán độc lập CNESE của Algeria cho biết "chưa tới 7% rác thải được tái chế" tại nước này. Theo số liệu chính thức, chỉ có 5.000 người đang làm việc trong lĩnh vực tái chế rác thải tại Algeria.

Bất ổn chính trị trong thời gian dài đã khiến Tunisia thiếu chiến lược và tầm nhìn để vận hành hệ thống xử lý rác thải. Các công ty tư nhân bị ngăn trực tiếp thu gom rác trong khi nhà nước phải trả 150-200 dinar (52-70 USD) cho việc xử lý mỗi tấn rác thải. Việc triển khai một hệ thống phân loại rác thải ở Tunisia có thể mất nhiều năm. Cơ quan quản lý rác thải quốc gia gần đây cũng thừa nhận rằng họ thiếu nguồn lực.

Chính phủ Tunisia muốn kết hợp các phương pháp cơ học và sinh học để xử lý chất thải, theo đó nén chặt và ủ rác trong khi thu thập khí mêtan để sử dụng làm nhiên liệu, song phải mất hai năm mới có thể triển khai các dự án đầu tiên. Trước tình hình này, chuyên gia kêu gọi chính phủ áp thuế cho việc quản lý rác thải và buộc mọi người trả tiền cho những gì họ thải ra.

Trên thực tế, mỗi người dân Tunisia thải ra 365 kg rác/năm nhưng chỉ phải trả phí không quá 0,28 USD cho hoạt động thu gom rác. Chuyên gia cho rằng chính phủ cần có giải pháp khẩn cấp và việc thiêu hủy rác "lựa chọn tốt nhất cho các thành phố" nếu sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, giá thành cho việc thiêu hủy không hề rẻ với mỗi lò đốt có giá khoảng 280 triệu USD, nên tình hình sẽ rất khó khăn./.