Báo cáo trên đã được Quốc hội Mỹ ủy quyền thực hiện như một phần trong Đạo luật "Cứu Đại dương của chúng ta 2.0" có hiệu lực kể từ tháng 12/2020.
Theo báo cáo, Mỹ "đóng góp" khoảng 42 triệu tấn trong tổng lượng rác thải nhựa 242 triệu tấn trên toàn thế giới vào năm 2016. Con số này cao hơn 2 lần so với Trung Quốc và cao hơn nhiều so với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Tính trung bình, mỗi công dân Mỹ vứt bỏ khoảng 130kg rác thải nhựa mỗi năm, tiếp đến là công dân Anh với 99kg và Hàn Quốc với 88kg.
Nhà khoa học Margaret Spring tại Viện Hải dương học Monterey Bay Aquarium - Trưởng nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo trên, nhấn mạnh: "Sự thành công của những phát minh kỳ diệu về nhựa trong thế kỷ XX lại kéo theo lượng lớn rác thải này trên quy mô toàn cầu mà dường như chúng ta có thể thấy ở khắp mọi nơi".
Bà Margaret nhận định rác thải nhựa toàn cầu là "cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội". Cuộc khủng hoảng này tác động tới các cộng đồng sinh sống sâu trong nội địa và ở khu vực ven biển, khiến các sông hồ, các vùng biển bị ô nhiễm, gây ra các gánh nặng kinh tế đối với các cộng đồng, đe dọa các loài động vật hoang dã, cũng như làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của con người.
Báo cáo cho biết lượng rác thải nhựa toàn cầu đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm từ mức 20 triệu tấn trong năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015. Ban đầu, giới khoa học cho rằng phần lớn rác thải đại dương là do tàu thuyền và các nguồn xả thải trong ngành hàng hải. Tuy nhiên, cho đến nay, có thể thấy rằng hầu hết các loại nhựa trên đất liền đều có thể trôi dạt ra các đại dương và trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu cũng cho thấy gần 1.000 loài sinh vật biển đang bị tổn thương khi mắc vào rác thải nhựa, hoặc nuốt phải các hạt vi nhựa. Có nhiều loài trong số này lại trở thành nguồn thức ăn cho con người.
Báo cáo ước tính khoảng 8 tấn rác thải nhựa đã bị vứt bỏ trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương với việc cứ mỗi phút lại có một xe tải rác thải nhựa đổ xuống biển. Với tốc độ này, lượng rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương có thể lên tới 53 tấn mỗi năm vào năm 2030, tương đương 50% tổng lượng cá đánh bắt được trên các đại dương hằng năm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn việc trực tiếp vứt bỏ rác thải nhựa xuống đại dương. Bên cạnh đó, việc cải tiến công nghệ thu gom rác thải cũng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nhựa độc hại trong môi trường nước. Ngoài ra, thu thập dữ liệu cũng là một ưu tiên quan trọng khác do vậy báo cáo kêu Mỹ thiết lập một hệ thống quan trắc nhằm xác định các nguồn xả thải và các "điểm nóng" ô nhiễm.
Nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo còn kêu gọi Chính phủ Mỹ triển khai chiến lược quốc gia chống rác thải nhựa trước cuối năm 2022./.