Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh. Mặt khác, để tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chế biến, tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, tỉnh xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu tập trung với quy mô 20.000 - 22.000 ha nhóm sản phẩm dừa; 1.500- 2.200 ha nhóm sản phẩm quả; 300 ha nhóm sản phẩm cây giống - hoa kiểng và 450 ha nhóm sản phẩm tôm, gắn với tổ chức lại dân cư nông thôn; trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai Kế hoạch số 3453/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 3707/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tôm, thủy hải sản,...
Thêm vào đó, tỉnh Bến Tre tiến hành lựa chọn 1 cụm công nghiệp làm điểm để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Ngành chức năng tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bến Tre xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ theo chiều sâu và đi vào thực chất. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử; mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt tiềm năng thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai kế hoạch phát triển 5.000 doanh nghiệp mới và xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh; đồng tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; ban hành danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025; bộ tiêu chí ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre …
Theo UBND tỉnh Bến Tre, chỉ tính trong năm 2021, tỉnh đã phân bổ gần 864 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Đến nay, các khu công nghiệp Giao Long, Giao Long giai đoạn II và An Hiệp đã cơ bản hoàn chỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% đất công nghiệp có khả năng cho thuê. Riêng khu công nghiệp Phú Thuận, đã hoàn chỉnh thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và đã ký hợp đồng với nhà thầu để triển khai thực hiện việc xây dựng đơn giá cho thuê đất. Dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, với chỉ tiêu mỗi cấp huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70 ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp. Đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng và lấp đầy các cụm công nghiệp đã có, đồng thời, phát triển mới có chọn lọc thêm các cụm công nghiệp để phục vụ nhu cầu đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ có 15 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 959,868 ha.
Hiện các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn nhằm phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh bố trí vốn ngân sách hỗ trợ cho các cụm công nghiệp 250 tỷ đồng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phần còn lại các huyện có cơ chế tạo quỹ đất sạch để tạo nguồn đầu tư hoặc mời gọi các nhà đầu tư.
Đến nay, tỉnh Bến Tre có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 347,3 ha; trong đó, có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,3 ha; 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp có 24 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.655 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.663 lao động./.