Đây là cửa khẩu quốc tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sơn La, với nhiều kỳ vọng mở ra những cơ hội phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.
Dự buổi lễ, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Sơn La.
Về phía nước bạn Lào có các ông: Phoxay Khaykhamphithoune, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Khamphao Ernthavanh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam; Khăm Pheng Xay Xổm Pheng, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn.
Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Mặc dù việc nâng cấp cặp cửa khẩu mới chỉ là bước đầu, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết để phát huy tối đa công năng của cặp cửa khẩu này. Và cũng rất mong muốn 2 địa phương, 2 nước sẽ tận dụng hiệu quả việc nâng cấp cặp cửa khẩu để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân.
Cặp cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La, Việt Nam) và cửa khẩu Pa Háng (Sốp Bâu, Hủa Phăn, Lào) nằm ở vị trí trung tâm kết nối giữa các tỉnh Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào; cách thủ đô Hà Nội của Việt Nam khoảng 200km và cách trung tâm các tỉnh Bắc Lào từ 180km đến 400km.
Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng kết nối hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nối thông giữa các tỉnh Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Đây được xem là tuyến huyết mạch có giá trị, tiềm năng thông thương qua biên giới, kết nối các tuyến du lịch và đặc biệt quan trọng về đối ngoại và quốc phòng của hai bên.
Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, trước đây, nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức quốc tế đã đến các tỉnh Bắc Lào hoặc miền Bắc Việt Nam, có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác tối đa những điều kiện thiên nhiên ưu đãi của các tỉnh miền bắc hai nước, nhất là của tỉnh Sơn La (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào); có nhu cầu kết nối, khai thác tối đa nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ hàng hóa của các địa phương, góp phần cụ thể hóa nhu cầu liên kết vùng, khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN rộng khắp, đưa tỉnh Sơn La (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) hội nhập sâu rộng hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hội nhập quốc tế trong tương lai. Qua đó góp phần phát triển, củng cố tiềm lực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên giới của mỗi nước và hai tỉnh Sơn La, Hủa Phăn.
Sơn La kỳ vọng xuất khẩu nông sản đạt 186 triệu USD năm 2024
Sơn La là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, giá trị kinh tế cao về cây ăn quả giúp người dân có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của Sơn La liên tục tăng cao, hiện đạt gần 85.000ha; sản lượng quả đạt 453.554 tấn; tăng 91,2% về diện tích, 210,5% về sản lượng (307.489 tấn) so với năm 2017. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Nhãn ở huyện Sông Mã, Mai Sơn; xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ của huyện Mộc Châu; sơn tra của Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu.
Vừa qua vụ dâu tây của tỉnh Sơn La trong năm đạt hơn 7,3 nghìn tấn, thu hơn 502 tỷ đồng; mận đạt gần 50 nghìn tấn, thu hơn 851 tỷ đồng; nhãn, chuối, dứa, xoài đang vào cuối vụ. Mục tiêu xuất khẩu nông sản Sơn La dự kiến vượt cột mốc 177,6 triệu USD của năm 2023.
Hay gần đây nhất, 10 tấn mận Ruby Sơn La của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã được xuất khẩu vào các thị trường được xem là khó tính như: Đức, Anh, Pháp, Cộng hòa Séc với giá bình quân từ 250 – 300 ngàn đồng…
Cùng với đó, huyện Mai Sơn, đến nay toàn huyện đã có hơn 11,2 ngàn ha cây ăn quả, trong đó có hơn 4,2 nghìn ha cây ăn quả thực hiện ứng dụng công nghệ cao, 1,8 nghìn ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 1,1 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân ở Mai Sơn đã thu được hơn 45 nghìn tấn quả các loại, bán trong nước được hơn 766 tỷ đồng. Cùng với cà phê, trái cây của huyện Mai Sơn đóng góp lớn vào con số 31,8 triệu USD thu về từ sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Mục tiêu phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, hiện nay, tỉnh Sơn La đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn, tỉnh Sơn La đang duy trì và phát triển 166 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, dâu tây, thanh long...) với diện tích 3.657ha, sản lượng 44.720 tấn/năm.
Toàn tỉnh có khoảng 40ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Có 30ha bưởi, sơn tra được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đến nay, các sản phẩm hàng hóa của Sơn La đã được giới thiệu, xuất khẩu sang thị trường các nước; xuất khẩu quả các loại gần 20.000 tấn.
Chính vì thế, sự kiện Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đã mở ra cơ hội phát triển thương mại vùng biên, tạo đà cho xuất khẩu nông sản Sơn La sớm vượt kế hoạch của năm 2024./.