Bến Tre phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển Bến Tre trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long, với chiều dài bờ biển trên 65 km nên có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển. Đặc biệt, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển Bến Tre trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

ts12-1636247096.jpeg
Tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Ảnh minh hoạ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, tỉnh có 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Tính đến năm 2020, Bến Tre đã khai thác được 45.747 ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt hơn 295.000 tấn; trong đó, có gần 31.000 ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri. Đến nay, diện tích nuôi tôm theo hình thức ứng dụng công nghệ cao khoảng 1.950 ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha.

Ngoài nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh cũng ngày càng phát triển, với sản lượng khoảng 210 ngàn tấn mỗi năm. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, với việc đầu tư các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Bến Tre hiện có 3 cảng cá, gồm Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại đạt tiêu chí cảng loại II; 2 khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại và khu neo đậu tránh trú bão huyện Thạnh Phú.

Bên cạnh đó, Bến Tre có đường bờ biển dài, có tốc độ gió cao và ổn định, là tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện gió. Hiện nay, tỉnh có 15 trong tổng số 19 dự án điện gió đã triển khai thi công, với tổng công suất 847 MW, 11 dự án chuẩn bị lắp đặt turbin với công suất khoảng 427 MW. Dự kiến đến cuối năm 2021, có tổng cộng 188 MW được đấu nối vào lưới điện.

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, những năm qua, kết cấu hạ tầng ở các địa phương vùng ven biển được tập trung đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Giai đoạn 2003-2020, tỉnh đã phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho 3 huyện biển khoảng 7.500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, công trình cấp nước sạch, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...

Đáng chú ý, tỉnh cũng đã thu hút được 95 dự án ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn 3 huyện biển, với tổng vốn 26.195 tỷ đồng; 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư trên địa bàn 3 huyện biển, với vốn đăng ký khoảng 960 triệu USD. Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực như điện gió, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông thủy sản, cấp nước sạch, xây dựng, hậu cần nghề cá, du lịch, khu dân cư.

Với lợi thế thiên nhiên và hoang sơ, những năm 2010 trở lại đây, du lịch biển Bến Tre nhen nhóm hình thành và phát triển. Các khu, điểm du lịch đã tạo ấn tượng và thu hút được du khách gần xa. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội kết hợp phục vụ dân sinh và phát triển du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch các huyện ven biển cũng được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư, nâng cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho hay, nhìn tổng thể, kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh có tiềm năng nhưng chưa được phát huy đúng mức. Địa phương thiếu nguồn lực để tạo động lực tăng trưởng, qui mô kinh tế còn nhỏ, chưa thật sự tạo động lực tăng trưởng có tính quyết định đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và lâu dài.

Cụ thể, tỉnh mạnh về nuôi tôm nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy tôm xuất khẩu, nên giá trị gia tăng chưa đạt được như tiềm năng mong muốn. Hơn nữa, hiệu quả nghề nuôi thủy sản chưa thật sự ổn định và bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do thiên tai, dịch bệnh, môi trường và thị trường tiêu thụ; dịch vụ cảng và các dịch vụ hậu cần sau cảng phát triển chậm.

Các hoạt động du lịch tuy có theo định hướng quy hoạch nhưng còn mang tính tự phát. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế và đời sống người dân ngày càng nghiêm trọng. Do đó, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức phát triển trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động từ quá trình hội nhập kinh tế như hiện nay.

Tạo đột phá một số ngành kinh tế biển

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, là một trong 28 tỉnh có biển của Việt Nam, vì vậy, việc tập trung phát triển kinh tế biển của tỉnh có ý nghĩa quan trọng. Hiện Bến Tre đã xoay trục,mở rộng tầm nhìn, không gian phát triển ra biển lớn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…

Với đặc điểm thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, tỉnh Bến Tre đã ban hành các chủ trương, chính sách đối với việc phát triển kinh biển trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng 60 đầu việc để thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch. Đồng thời, từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển. Giai đoạn này, đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển đạt tối thiểu 30% GRDP của tỉnh.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre nỗ lực phát triển thành công, tạo đột phá một số ngành kinh tế biển, theo thứ tự ưu tiên như năng lượng tái tạo; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển và phát triển thương mại dịch vụ.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị các địa phương ven biển vững mạnh, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ven biển.

5636-image001-1636247203.jpeg
Tỉnh Bến Tre đã phê duyệt và triển khai 13 nhà máy điện gió. Ảnh minh hoạ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung triển khai 13 dự án điện gió, quy mô công suất 828 MW. Các dự án này có tổng nguồn vốn ước khoảng 34,2 nghìn tỷ đồng, do vốn tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đạt trên 1.385MW điện gió và điện năng lượng mặt trời đạt trên 200MW.

Đặc biệt, Bến Tre hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp. Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch 5 khu công nghiệp theo hướng di dời về các huyện biển; đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại, với tổng diện tích 231,78 ha; xúc tiến quy trình thực hiện dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp An Nhơn, huyện Thạnh Phú với quy mô khoảng 490 ha.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản phẩm trên 1 ha thủy sản đạt 450 triệu đồng. Diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000 ha, sản lượng đạt 136.000 tấn. Tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025.

Cũng trong giai đoạn này, Bến Tre phấn đấu thu hút đầu tư 5-6 nhà máy chế biến thủy sản; có 2-3 nhà máy chế biến tôm; phấn đấu đầu tư, phát triển một khu công nghiệp kinh tế biển tại huyện Thạnh Phú để phục vụ các hoạt động kinh tế, công nghiệp biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre phát triển mạnh du lịch biển, kết hợp với các dịch vụ nông nghiệp trở thành hoạt động kinh tế chính của 3 huyện biển. Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho các khu vực đang hoạt động hiệu quả nhất là giao thông, điện, nước tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển như khu vực Thừa Đức, Cồn Nhàn- Cồn Ngoài, Cồn Hố,Cồn Bửng. Dự kiến đến năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 3 huyện biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại tăng bình quân 25%/năm; chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh./.