Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 200 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, có 43 trang trại trồng trọt, 90 trang trại chăn nuôi, 24 trang trại thủy sản và 43 trang trại tổng hợp. Có 40% tổng số trang trại (80 trang trại) thực hiện ứng dụng công nghệ cao; 25 trang trại tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 17 trang trại sản xuất tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, cung ứng lượng lớn sản phẩm cho thị trường và góp phần phát triển nông nghiệp địa phương bền vững.
Nhiều chủ trang trại chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất giúp tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; chủ động liên kết doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định, đạt hiệu quả cao; đồng thời góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai và tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Xuân Lai, Đại Lai (Gia Bình); xã Trung Chính, Phú Hoà, An Thịnh (huyện Lương Tài), cây ăn quả tại Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ (thị xã Thuận Thành), Cảnh Hưng (huyện Tiên Du), Hán Quảng, Đào Viên (thị xã Quế Võ)...
Để có được những thành tích trên, tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh về kinh tế trang trại được chú trọng, giai đoạn 2019 - 2023, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho 3.267 lượt hộ nông dân. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tích tụ ruộng đất cho các trang trại với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23 trang trại.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng phát triển kinh tế trang trại và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại đủ điều kiện. Chú trọng liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trang trại, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm.
Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 có thêm từ 45- 50 trang trại ứng dụng công nghệ cao, từ 30- 35 trang trại liên kết theo chuỗi giá trị; từ 5 - 8 sản phẩm của các trang trại tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Qua đó, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng mã vùng trồng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.