Làm trang trại tổng hợp, mỗi năm thu tiền tỷ

Từ một vùng đồi núi hoang vu heo hút tại xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), dưới bàn tay cần mẫn của vợ chồng anh Đàm Thọ đến nay đã trở thành một trang trại tổng hợp trù phú mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
z4685089989275-0ef7d33c99126c0e493238414f0320a1-1700611970.jpg
Làm trang trại tổng hợp, vợ chồng anh Thọ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cãi lời gia đình đi làm kinh tế

Mô hình trang trại tổng hợp, có liên kết của gia đình anh Đàm Thọ (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được đánh giá là mô hình kinh tế bền vững, cho hiệu quả cao tại địa phương hiện nay. Để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng anh chị đã phải đánh đổi nhiều thứ cũng như đổ bao mồ hôi, công sức.

Với những ai đến thăm trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Đàm Thọ sẽ khó hình dung được sự hoang vu, heo hút của nơi đây khi anh chị bắt đầu vào vùng này khai hoang lập nghiệp.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, chị Bùi Thị Hoa (vợ anh Đàm Thọ) vừa chia sẻ về những gì vợ chồng chị đã trải qua để đạt được thành quả như ngày hôm nay.

Chị Hoa chia sẻ: "Năm 1989, sau khi kết hôn, hai vợ chồng chúng tôi bàn nhau vào đây để lập nghiệp. Lúc đó, khi biết về kế hoạch của vợ chồng chúng tôi, hai bên nội ngoại ai cũng phản đối. Nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm làm. Khi đó, đói khổ lắm, ban ngày thì vợ chồng tôi đào đất khai hoang, tối anh Thọ lại đi soi cá dọc khe suối, sáng lại gánh củi đi bán mua từng ống gạo và chủ yếu chỉ ăn củ sắn, củ khoai qua ngày".

tho-1700611666.jpg
Trang trại của anh Thọ nhìn từ trên cao.

Thời điểm đó, khu vực này được coi là nơi thâm sơn cùng cốc, đường chưa có, đồi dốc lởm chởm. Anh chị khổ đến nỗi, chị sinh 6 người con không có tiền đi viện, có lúc người thân không vào kịp, chị tự cắt rốn cho con. Nhưng rồi những đứa con của anh chị cũng lớn lên, người đi lập nghiệp nơi khác, người lại gắn bó với mảnh đất này.

Gặt hái "quả ngọt"

Với sức lực và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Thọ, chị Hoa đã biến hơn 7,6 ha đất đồi hoang hóa trở thành một trang trại tổng hợp, trù phú, đa cây, đa con, cho hiệu quả kinh tế cao.

dsc04597-1700611508.jpg
Trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Thọ là mô hình kinh tế điển hình của huyện Hương Khê.

Trong quá trình nuôi trồng và sản xuất, gia đình anh chị đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng keo sau thu hoạch, đồng thời phá bỏ diện tích trồng cam đã già cỗi sang trồng cỏ voi và khoai mì phục vụ chăn nuôi. Việc trồng khoai mì cho năng suất, thu nhập khá cao lại dễ tiêu thụ.

Với 4 ha khoai mì và 800 gốc bưởi Phúc Trạch, đã đem lại cho gia đình anh chị thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, anh chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi lợn liên kết với Công ty Golden tại Nghệ An, mỗi năm xuất chuồng 2.500 con lợn, tương đương trên 260 tấn lợn thịt, trừ chi phí còn thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Anh Đàm Thọ cho hay: "Chăn nuôi liên kết là một hướng đi đúng cho các hộ nông dân cũng như các Hợp tác xã nhỏ lẻ. Bởi cơ bản và quan trọng nhất trong chăn nuôi là đầu ra cho sản phẩm, nếu vốn lớn, có tri thức, có đầu ra thì mạnh dạn nuôi riêng được. Còn đối với vợ chồng tôi, chọn chăn nuôi liên kết để đảm bảo an toàn. Muốn có được thành công, trước hết phải là sự nỗ lực của bản thân, cái gì chưa biết phải học hỏi, cộng với sự chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm".

dsc04535-1700611508.jpg
Gia đình anh Thọ nuôi lợn thịt liên kết cho thu nhập ổn định.

Không để đất ngơi nghỉ và luôn trăn trở để đồng vốn làm ra được tiếp tục sinh lợi, anh chị đã huy động nguồn lợi nhuận từ mô hình kinh tế trang trại đầu tư vào kinh doanh vận tải, thu mua keo tràm nguyên liệu vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.

Từ mô hình này đã giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/ tháng.

Chị Ngô Thị Vân, (xã Hương Giang) là công nhân làm việc tại trang trại của anh Đàm Thọ vui vẻ cho biết: "Công việc của công nhân ở đây chủ yếu chăn nuôi bò lai sin, lợn rừng và lợn liên kết. Chúng tôi làm việc ở đây vừa gần nhà, lại có thu nhập ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, động viên của vợ chồng chú Thọ. Do đó, chị em công nhân chúng tôi luôn yên tâm, cố gắng làm việc hết sức mình".

Nhờ chăm chỉ lao động và biết kết hợp nuôi trồng, hiện nay mỗi năm, gia đình anh Đàm Thọ thu về gần 2 tỷ đồng.

q-1700611508.jpg
Trang trại của vợ chồng anh Đàm Thọ trồng đa cây, nuôi đa con.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Đinh Công Tịu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: "Đây là một gia đình hội viên nông dân điển hình tiêu biểu của huyện trong phát triển kinh tế. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng đến các địa phương khác trên địa bàn huyện để góp phần giúp cho huyện phát triển kinh tế, cùng địa phương xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2024".

Câu chuyện vượt khó làm giàu của vợ chồng anh Đàm Thọ đã được đông đảo người trong và ngoài địa phương biết đến. Nhiều năm liền, anh chị là hộ Sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, hộ gia đình anh Thọ, chị Hoa đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen, giai đoạn 2007 - 2011 và năm 2015, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3.

Nguyễn Duyên