Trang trại xanh giữa vùng đất mỏ

Với tình yêu quê hương, đam mê theo đuổi nông nghiệp sạch, doanh nhân Trần Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiên Thuận Tường đã góp phần bảo vệ môi trường rừng, xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân địa phương.

Giản dị, khiêm tốn, quyết đoán và chân tình là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh tỉnh Quảng Ninh Trần Hòa. Anh vốn sinh ra trong một gia đình thợ mỏ có truyền thống cách mạng ở vùng than.

Trong quá khứ, theo tiếng gọi của Đảng, anh đã lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Bắc (Phiên chế Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 244, Quân khu 3) trong hơn 3 năm. Rời quân ngũ, anh theo học trường Đại học Mỏ địa chất. Ra trường, anh chủ động về quê lập nghiệp, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình với quê hương. Ngay từ năm 1990, Trần Hòa đã ý thức việc xây dựng trang trại xanh, trồng rừng để người dân có cơ hội được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Phương châm kinh doanh của anh là lấy ngắn nuôi dài, lợi nhuận được dùng tái đầu tư vào rừng, chăn nuôi.

trang-trai-1-1687655328.jpg
Chân dung doanh nhân Trần Hòa

Vốn là dân địa chất, kinh nghiệm về nông nghiệp không nhiều, anh quyết định đi học làm kinh tế trang trại. Hễ ở đâu có lớp học về chăn nuôi, anh lại chủ động tìm học. Rồi anh tiếp tục sang Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Tây Ban Nha… để học nghề chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại để về nước mở mô hình trang trại ngay tại quê hương.

Gia đình sẵn có gần 47ha ao hồ, đầm lầy ở cuối phường Cửa Ông, đầu phường Mông Dương, nơi gia đình sơ tán đến đây từ thời chiến tranh. Vì vậy, Trần Hòa quyết chí trở về đây lập nghiệp, chọn nghề chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, cá sấu, ba ba, cá rô phi, trồng rừng... “Sản phẩm của nghề này bao giờ và ở đâu thị trường cũng cần, nhưng lại ít người làm, vì cho rằng công việc chăn nuôi không sang”, anh giãi bày lý do lựa chọn nghề chăn nuôi.

Ðã quyết là làm, năm 2003, vợ chồng anh dồn tiền gia đình và huy động các nguồn vốn lập Công ty Thiên Thuận Tường, bắt đầu xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, anh chỉ trồng cây ăn trái như na, chuối, vải, mít và phát rừng trồng cây keo. Đến khi dành dụm và vay mượn thêm được vốn, anh mua vài chiếc ô tô tải và một chiếc máy xúc để chở thuê đất đá từ mỏ đưa lên mang đi đổ. Tận dụng đất đá bỏ đi, anh san lấp ao hồ, đầm lầy trong khu đất của gia đình. Chẳng mấy chốc, khu đất hoang hóa biến thành bãi bằng, cây cối xanh tốt, rừng trồng đến kỳ khai thác.

Trên những bãi đất đá hoàn nguyên của khai trường khai thác than cũ, anh cho xe chở đất màu trải lên rồi trồng các loại Trang trại nuôi lợn của Công ty Thiên Thuận Tường. cây gây rừng. Từ vùng đất khô cằn ấy, anh và mọi người đã dốc tâm huyết, sức lực để trồng những vạt rừng xanh tốt, xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, hiện đại, phân khu nuôi lợn nái, lợn thương phẩm; gà đẻ, gà thịt các loại, cá sấu, ba ba và khu nuôi lợn rừng... Mỗi năm, Công ty xuất bán hàng nghìn tấn sản phẩm thịt chất lượng cao ra thị trường Quảng Ninh và xuất sang Trung Quốc. Ðể giảm giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm, anh chủ động xây dựng và vận hành Nhà máy chế biến thức ăn gia súc ngay trong khu vực trang trại. Phát huy tiềm năng, anh đầu tư khoảng 200 tỷ đồng xây thêm trang trại chăn nuôi, trồng rau sạch tại Mông Dương và huyện Vân Ðồn, thu hút hàng trăm lao động vào làm với thu nhập ổn định.

nuoi-ga-1687655421.jpg
Một góc trang trại nuôi gà của Công ty Thiên Thuận Tường
trang-trai-3-1687655356.jpg
Trang trại nuôi lợn của Công ty Thiên Thuận Tường

Anh thừa nhận việc đầu tư kinh doanh vào ngành Nông nghiệp luôn biến động rủi ro về giá thành, dịch bệnh, nhưng anh vẫn kiên định, chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhờ chiến lược đúng đắn, Công ty không ngừng tăng trưởng, vận dụng tiết kiệm, khai thác tối đa khả năng thế mạnh của ngành Chăn nuôi. “Thiên Thuận Tường là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp và tham gia chương trình OCOP từ những ngày đầu tiên khi tỉnh Quảng Ninh triển khai và đến này đã có kết quả rất thành công. Đây là niềm cổ vũ, động viên rất lớn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có cơ hội cùng vươn theo”, ông Vũ Thành Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo OCOP tỉnh, Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh nói.

Không dừng ở đó, doanh nhân Trần Hòa đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng mô hình trang trại hiện đại khép kín, theo tiêu chuẩn quốc tế ở khu vực Mông Dương và Cửa Ông (Cẩm Phả) với tổng diện tích 96 ha, mở rộng hơn 300 ha để phát triển chăn nuôi, trồng rau sạch, rau an toàn... ở xã Cộng Hoà (Cẩm Phả).

Xuyên suốt câu chuyện anh kể, Trần Hòa chia sẻ mong muốn được xây dựng trên vùng đất Cẩm Phả một trang trại sản xuất sạch có quy mô lớn với mô hình chăn nuôi - trồng trọt khép kín, phụ phẩm của ngành này lại là nguyên liệu của ngành kia, gần gũi với thiên nhiên và không gây tác hại đến môi trường.

Bên cạnh đó, anh còn triển khai Dự án Khu trung tâm thương mại thực phẩm sạch tại phường Cẩm Phú (Cẩm Phả) để cung cấp cho người dân vùng mỏ những thực phẩm sạch, an toàn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. “Tôi vẫn đang nỗ lực để xây dựng trang trại của mình thành một mô hình hiện đại và hướng tới môi trường xanh, sạch, thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, anh Trần Hòa chia sẻ.

trang-trai-4-1687655368.jpg
Một đoàn khách tham quan trang trại của doanh nghiệp Thiên Thuận Tường

Không chỉ thành công trong kinh doanh, anh còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Những năm qua, bình quân mỗi năm anh và Công ty đã ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng trường học, nhà ở cho người nghèo, làm đường giao thông, nhà văn hoá và có những đóng góp trong lĩnh vực Giáo dục.

Với những thành tích và đóng góp cho xã hội, doanh nhân Trần Hòa đã được Chủ tịch nước tặng Kỷ niệm chương, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Bằng khen về những thành tích tham gia đóng góp cho Sự nghiệp Giáo dục… UBND tỉnh Quảng Ninh tặng nhiều Bằng khen và các phần thưởng cao quý.

Trần Minh