Bắc Kạn thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp theo hướng công nghệ cao và bảo vệ môi trường

Từ những lợi thế về nông, lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành trung tâm chế biến nông, lâm sản và dược liệu của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
bac-kan-thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-01-1714356054.jpg
Ngành nông nghiệp Bắc Kạn khuyến khích doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư công nghệ cao từ vùng nguyên liệu đến chế biến sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Sức bật từ lợi thế nông sản chủ lực

Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, với hơn 73%, tổng diện tích đất có rừng là hơn 374.000ha, trong đó khoảng 100.000ha là rừng trồng. Ngoài sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm lớn, tỉnh Bắc Kạn còn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý, dược liệu dưới tán rừng. Trên cơ sở tiềm năng lợi thế đó, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển các nhà máy chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ cây dược liệu.

Tỉnh Bắc Kạn cũng có diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tương đối lớn, trên địa bàn có nhiều loại cây trồng đặc hữu, có tiềm năng chế biến sâu thành những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Trong đó, cây dong riềng có diện tích trồng khoảng 500ha/năm, năng suất trung bình đạt từ 760 tạ/ha. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến miến dong, nhiều năm nay, mặt hàng này đã trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh Bắc Kạn.

bac-kan-thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-03-1714356039.jpg
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý, dược liệu dưới tán rừng. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Bắc Kạn cũng có vùng trồng cây nghệ, diện tích dao động gần 200ha/vụ. Cây nghệ vàng trồng tại Bắc Kạn được đánh giá có chất lượng hàng đầu khu vực, là nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm curcumin, tinh bột nghệ.

Các sản phẩm chế biến từ quả bí xanh thơm cũng là thế mạnh của Bắc Kạn, đây là cây trồng đặc sản bản địa có mùi thơm đặc trưng riêng biệt. Hàng năm diện tích trồng cây bí xanh thơm đạt hơn 300ha, tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn. Hiện nay quả bí xanh thơm đã được một số doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến thành những sản phẩm như trà bí xanh, bí xanh sấy khô.

Chè cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, diện tích khoảng 1.800ha, trong đó có gần 500ha chè Shan tuyết. Mỗi năm, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt hơn 7.000 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 sản phẩm chế biến từ chè được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao trở lên. Tuy nhiên, quá trình chế biến chủ yếu theo phương pháp truyền thống bán cơ giới, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, đầu tư khoa học công nghệ trong chế biến chè tại Bắc Kạn.

bac-kan-thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-02-1714356199.jpg
Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, diện tích khoảng 1.800ha, mỗi năm, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt hơn 7.000 tấn.(Ảnh minh họa)

Bắc Kạn cũng là vùng trồng nhiều loại gạo chất lượng cao, tiêu biểu là gạo bao thai ở huyện Chợ Đồn (diện tích khoảng 1.800ha, sản lượng trên 9.000 tấn/năm). Gạo nếp thơm Khẩu nua lếch Ngân Sơn cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2015. Loại gạo này mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng, diện tích trồng trên 100ha, sản lượng đạt 410 tấn/năm.

Tỉnh Bắc Kạn cũng có khoảng 3.500ha cây cam, quýt, hơn 700ha cây hồng không hạt, khoảng 1.000ha cây mơ, đây đều là những sản phẩm nông sản chủ lực mà tỉnh đang thu hút đầu tư chế biến sâu.

Ngoài ra, do địa hình chủ yếu đồi núi, tỉnh Bắc Kạn cũng nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này gắn với xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.

Thu hút đầu tư định vị trung tâm chế biến nông, lâm sản và dược liệu

Trên cơ sở lợi thế của các sản phẩm chủ lực, tỉnh Bắc Kạn mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản và dược liệu gắn với vùng nguyên liệu. Chủ trương xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gia tăng giá trị, phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến nông, lâm sản và dược liệu của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Trong 10 dự án thu hút đầu tư năm 2024, tỉnh Bắc Kạn mời gọi đầu tư dự án phát triển cây dược liệu tại các huyện, thành phố; Dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa; Dự án trồng, chế biến sản phẩm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm sản; Dự án nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm từ hoa quả có múi; Dự án nhà máy sản xuất đồ uống đóng chai từ nguyên liệu quả cam, quýt, mơ vàng; Dự án nhà máy sản xuất rượu công nghiệp men lá gắn với du lịch cộng đồng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án chăn nuôi công nghệ cao; Dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tất cả các dự án này sẽ được hưởng ưu đãi về thuê đất, quy mô, tổng mức đầu tư sẽ được xem xét dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng của nhà đầu tư. Trong số này đáng chú ý là các dự án phát triển cây dược liệu gắn với chế biến, dự án này được tỉnh Bắc Kạn triển khai ở tất cả các huyện, thành phố.

Ðể đánh thức tiềm năng cây dược liệu, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HÐND ngày 27/4/2022 quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh trồng được 529ha cây dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025. Hiện toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sơ cấp 21 loài dược liệu, 14 đơn vị sản xuất thứ cấp, tham gia chế biến sâu dưới các dạng bào chế, đóng gói.

Bắc Kạn đặt mục tiêu phát triển bốn vùng trồng dược liệu tập trung, gồm: Tiểu vùng trung tâm; tiểu vùng phía đông; tiểu vùng phía tây; tiểu vùng phía bắc và đông bắc với 26 loài dược liệu. Ðến năm 2025, diện tích dự kiến 545ha, trong đó 345ha trồng theo hình thức thâm canh và 200ha trồng dưới tán rừng, mỗi năm tạo ra khoảng 1.600 tấn dược liệu khô.

bac-kan-thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-04-1714356234.jpg
Trang trại nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại thôn Khuổi Khiếu (xã Trần Phú, huyện Na Rì) quy mô gần 1000 con lợn nái, tạo việc làm cho hơn 100 công nhân.(Ảnh minh họa)

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết, phát triển cây dược liệu gắn với chế biến sâu là ưu tiên của ngành vì lĩnh vực này tỉnh có nhiều tiềm năng. Ngành nông nghiệp Bắc Kạn cũng khuyến khích doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm phát triển bài bản từ vùng nguyên liệu đến chế biến sản phẩm. Ngoài ra, ngành cũng đang triển khai dự án trồng hàng trăm ha cây dược liệu tại huyện Ba Bể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Dự án cũng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ cây dược liệu trong thời gian tới.

Theo ông Lâm Tiến Giáp, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT) Bắc Kạn, các dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp được tỉnh hết sức quan tâm. Hiện nay, trung tâm đang tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp trọng điểm khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Ngoài ra, trung tâm cũng tích cực quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế về các dự án đang thu hút đầu tư nói chung và dự án nông, lâm nghiệp nói riêng đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Kạn đang đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới giao thông. Đáng chú ý là địa phương này đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật 8 cụm và khu công nghiệp gồm: cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; Chu Hương, huyện Ba Bể; Vằng Mười, huyện Na Rì; cụm công nghiệp Quảng Chu, huyện Chợ Mới; cụm công nghiệp Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; cụm công nghiệp Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn và Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II. Các cụm, khu công nghiệp nay sau khi hoàn thành sẽ ưu tiên thu hút dự án chế biến nông, lâm sản, những dự án thân thiện với môi trường./.

Bình Châu