Hồng không hạt là cây trồng lâu đời ở khu vực hồ Ba Bể. Nhưng phải từ năm 1990 trở đi, cây hồng không hạt mới đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi hái hồng đúng độ chín, đem về ngâm xuống nước sạch, ngâm ngay sẽ cho chất lượng quả tốt và ngon nhất. Hái hồng nên vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát. Quả hái về, xếp nhẹ nhàng vào các sọt có thể vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu.
Quả hồng chín màu vàng sáng rất đẹp, nhưng hái từ trên cây xuống vẫn không thể ăn được vì còn rất chát. Phải ngâm hồng trong nước sạch, ngập khoảng 15 - 20cm, ngâm từ ba đến bốn ngày đêm, quả hồng sẽ hết nhựa chát và chuyển thành vị ngọt, khi đó vớt ra để ráo nước là có thể ăn.
Xác định hồng không hạt là cây chủ lực để phát triển kinh tế, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chọn tạo, nhân giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con, từ đó chất lượng cây trồng được cả thiệ rõ rệt. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hồng không hạt Bắc Kạn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ được liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu xúc tiến thương mại, hồng không hạt dần khẳng định thương hiệu, đến nay diện tích toàn tỉnh đã tăng lên gần 700ha, tập trung tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì… Năm 2010, hồng không hạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, năm 2013 sản phẩm này lọt vào Top 100 thương hiệu nổi tiếng, là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt tại Hà Nội thu hút nhiều HTX, giúp sản phẩm có bước tiến xa trên thị trường khi có mặt ở các siêu thị, cửa hàng ở các thành phố lớn.
Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 714ha hồng không hạt, trong đó 436ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.047 tấn, có 147ha thâm canh cải tạo, 55ha đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.
Trong năm tới, tỉnh Bắc Kạn dự kiến xây vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chính, trong đó có cây hồng không hạt. Giải pháp là vận dụng các chính sách, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hình thành vùng trồng, liên kết tiêu thụ nông sản...