Bắc Kạn hỗ trợ nông dân chuyển đổi số kết nối nông sản chinh phục thị trường

Bắc Kạn đã triển khai nhiều mô hình, cách làm để hướng dẫn, nhân rộng, tạo phong trào chuyển đổi số. Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, hiện địa phương có trên 105 nghìn hộ sản xuất có tài khoản và gần 1.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; Tỷ lệ doanh nghiệp và HTX sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
bac-kan-chuyen-doi-so-1-1728739793.jpg
Đoàn viên, thanh niên thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đến từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công. (Ảnh minh họa)

Tạo nền tảng chuyển đổi số từ nông thôn

Từ tháng 7/2023, Bắc Kạn triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn. Theo đó, các xã, phường, thị trấn diện thí điểm được hỗ trợ đầu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Các xã, phường, thị trấn được đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông bảo đảm phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn.

Các xã được nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy tính để bảo đảm cấu hình, yêu cầu của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức.

Tỉnh cũng hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử…

bac-kan-chuyen-doi-so-2-1728739820.jpg
Nông dân vùng cao Bắc Kạn từng bước bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ thông tin. (Ảnh minh họa)

Tháng 12/2023, Bắc Kạn lựa chọn Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt (Ngân Sơn) và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân (Chợ Đồn) làm điểm triển khai mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Hai hợp tác xã được đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm gắn kết với hệ thống tưới, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết nối các thiết bị đầu cuối xuyên suốt quá trình trồng trọt.

Tỉnh cũng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực tiếp cận ứng dụng chuyển đối số, sử dụng hệ thống SmartFarm vào quản trị sản xuất, kỹ thuật khuyến nông; minh bạch hóa dữ liệu sản xuất, bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đưa hàng nghìn nông sản lên sàn thương mại điện tử

Đến thời điểm này, hầu hết các hợp tác xã tại Bắc Kạn đều đã lập cho mình fanpage riêng trên zalo, facebook hay youtube để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hoạt động của đơn vị. Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo, những nông dân này đã tìm được phương thức bán hàng hiệu quả hơn: Thay vì phụ thuộc hay mặc cả với thương lái để hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng thì nay nhờ ứng dụng công nghệ số, người dân đã tránh được tình trạng bị tư thương ép giá; sản phẩm cũng đến được gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Lèng Văn Lượng, thành viên HTX Hòa Thịnh, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn nói: “Bán hàng trên mạng rất dễ tiếp cận với khách hàng và nó có ưu điểm rất dễ dàng, kể cả khách hàng nước ngoài cũng rất quan tâm, đặc biệt là những sản phẩm tư vấn về sức khỏe như trà hoa vàng…đây là nền tảng để đơn vị phát triển hơn trong thời gian tới”.

bac-kan-chuyen-doi-so-4-1728739848.jpg
Các hợp tác xã tại Bắc Kạn được hỗ trợ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. (Ảnh minh họa)

Chị Hoàng Thị Hương, dân tộc Tày, giám đốc HTX Hoàng Hương, huyện Ba Bể cho biết, ngoài các kênh bán hàng trên mạng xã hội, HTX của chị còn  mạnh dạn xây dựng website để quảng bá các sản phẩm đặc sản của quê hương gồm: tép chua, thịt chua, thịt lợn áp chảo…Các sản phẩm của HTX cũng đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử từ nhiều năm qua. Nhờ tận dụng các nền tảng số đã giúp các sản phẩm của HTX có mặt tại hơn 30 địa phương trong cả nước.

“Nhu cầu của khách bây giờ người ta mua các sản phẩm trên mạng rất nhiều, chúng tôi tận dụng những lợi thế đó để quảng bá những sản phẩm của mình. Thông qua các sàn thương mại, các trang web của HTX, số lượng đặt đơn được nhiều hơn, và được khách hàng của các tỉnh khác cũng đặt hàng và có nhiều người biết đến hơn”.

Hiện nay, Bắc Kạn đã có sóng 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn bản, nên người dân có điều kiện hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Song song với đó, các lớp tập huấn kỹ năng chuyển đổi số, bán hàng qua mạng xã hội đã được hội nông dân, đoàn thanh niên và ngành thông tin truyền thông tổ chức, tập huấn đến tận các bản làng. Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, hiện địa phương này có trên 105 nghìn hộ sản xuất có tài khoản và gần 1.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; Tỷ lệ doanh nghiệp và HTX sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

bac-kan-chuyen-doi-so-5-1728739776.jpg
Bắc Kạn tổ chức livestream bán nông sản và đưa sản phẩm của Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Kạn đánh giá: Do địa hình vùng cao chia cắt, một số khu vực sóng viễn thông chưa phủ khắp, chưa có điện lưới quốc gia; mặt bằng chung về nhận thức, kỹ năng của người dân còn chưa đồng đều vẫn là những trở ngại nhất định với nông dân Bắc Kạn trong công cuộc chuyển đổi số.

"Sở sẽ tổ chức hội thảo, mời những đơn vị cung cấp giải pháp phục vụ cho chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để từ đó họ thấy được tiện ích, hiệu quả của hệ thống kỹ thuật số. Với người nông dân thì trước hết sẽ giúp họ đưa được những sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hỗ trợ có thể là có tem truy xuất nguồn gốc với những sản phẩm nông sản của họ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường...", ông Hoàng Văn Thiên cho hay.

Việc người nông dân vùng cao từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm góp phần mang lại hiệu qủa tích cực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, với một địa phương kinh tế nông nghiệp là chủ lực, ứng dụng công nghệ số cũng cũng sẽ là nền tảng vững chắc để vùng cao Bắc Kạn phát triển hơn trong thời gian tới./.

Bình Châu