
Theo ông Ngô Tấn Lâm, ở ấp Bình Thanh (xã Tam Bình, huyện Cai) Lậy có 01ha vườn sầu riêng nằm cạnh sông Nam Thôn (nhánh sông Tiền) cho biết, rút kinh nghiệm qua nhiều năm, hiện nay gia đình ông rất chủ động trong việc gia cố ống bọng lấy, thoát nước và chuẩn bị phương án chở nước ngọt bằng sà lan về bơm vào vườn khi mặn xâm nhập.
"Vườn của tôi nằm riêng lẻ chứ không có vướng gì đến cống đập của nhà nước. Tôi đã đặt cống bọng đầy đủ hết, ví dụ khi có mặn thì tôi đóng bọng, bơm hút nước cặn ra hết, mua nước bằng sà lan bơm vô. Hàng ngày nếu gió chướng lên thì tôi đo độ mặn, phải đo thường xuyên” - ông Lâm chia sẻ.
Thực tế cho thấy, công tác phòng chống hạn mặn đã trở thành việc thường xuyên đối với người trồng cây sầu riêng khi vào mùa khô hạn. Bởi loại cây này rất nhạy cảm với nước mặn, nếu phun tưới nước có độ mặn trên 0,4 gam/lít sẽ gây thiệt hại cho cây. Tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy hiện có hơn 1.400 ha vườn sầu riêng. Nhờ được đầu tư hệ thống cống đập kiên cố khép kín nên nước mặn khó xâm nhập, lượng nước ngọt được cấp bổ liên tục, vườn cây tốt tươi.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết: "Hiện nay, được tỉnh đầu tư 4 cống ngăn mặn cơ bản rồi. Sau khi quan trắc nếu độ mặn ổn thì cống mở còn không ổn thì đóng lại. Đối với xã thì tuyên truyền vận động người dân nạo vét mương vườn, trữ nước ngọt; hướng dẫn cho người dân gia cố các cống cặp sông Nam Thôn nếu tình hình mặn có xâm nhập thì đóng lại trữ nước ngọt để tưới lâu dài. Đến giờ này thì cơ bản khép kín hết”.
Hiện nay, hơn 24.500 ha vườn cây sầu riêng- loại cây rất nhạy cảm với nước mặn ở tỉnh Tiền Giang đã “thoát” khỏi mùa hạn mặn. Hầu hết các địa bàn đều xảy ra mưa trái mùa, nguồn nước ngọt trong mương vườn vẫn đủ đầy nên cây tươi tốt, ra trái quanh năm.
Gần đây, giá sầu riêng có dao động bất thường tùy thuộc vào thị trường của nước nhập khẩu nhưng nhà vườn trồng cây sầu riêng vẫn có lãi. Hiện tại, sầu riêng giống Ri6 giá từ 40-50 nghìn đồng/kg, giống Monthong giá 70-90 nghìn đồng/kg(tùy chất lượng).
Ông Dương Văn Đây, nhà vườn trồng hơn 2,7 ha cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy nói: “Hôm qua tôi bán được trên 1 tấn trái sầu riêng, bán giá 47 nghìn đồng/kg (bán xô), giá này có lãi, sống được, hàng sầu riêng mấy ngày nay có giảm. Năm nay tôi trồng đạt, xử lý trái có muộn cho 2 đợt trái: đợt này hơn 10 tấn và đợt sau mười mấy tấn nữa, trước vụ thuận một tháng. Năm nay, nước mặn không dâng lên tới đây, vườn mình vẫn “xử lý” bình thường, nước ngọt dồi dào, đầy đủ”.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tình hình xuất khẩu sầu riêng vẫn đang khó khăn. Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong xuất khẩu mà nguyên nhân chính là Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất Cadimi nên doanh nghiệp đã tạm ngừng xuất sầu riêng sang thị trường này.
Hiện nguồn cung tại Tiền Giang không nhiều, việc thu gom hàng rất khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu lô hàng bị nhiễm Cadimi. Do đó, thời gian gần đây, công ty đã chuyển hướng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Đài Loan.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu sầu riêng của nước ta nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do “vướng” các hàng rào kỹ thuật. Trong đó, hai vấn đề khó khăn nhất là kiểm soát dư lượng chất Cadimi và chất Vàng O.
Theo ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, để mua đầy một container khoảng 20 tấn, doanh nghiệp phải mua từ nhiều vườn, xét nghiệm không hết dễ vướng Cadimi nhất. Hiện ngành sầu riêng khó khăn rất nhiều. Doanh nghiệp đang khó khăn, không dám xuất nên nhiều công ty đóng cửa. Hiệp hội Sầu riêng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn.
Trong đó, kiến nghị thứ nhất là công khai các chi phí kiểm nghiệm Cadimi của các phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc và Việt Nam công nhận trên các kênh truyền thông chính thức.
Đồng thời, kiến nghị Sở Nông Nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật mở thêm trung tâm kiểm nghiệm tại Tiền Giang để thuận tiện trong việc thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng sầu riêng được nhanh chóng hơn.
Sở Nông Nghiệp và Môi trường cần hỗ trợ thực hiện các mô hình canh tác sầu riêng kiểu mẫu đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, hạn chế các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong trái sầu riêng. Điều này nhằm tạo tiền đề để doanh nghiệp xuất khẩu triển khai nhân rộng mô hình canh tác tại các vùng trồng liên kết./.