Sản xuất rau củ ở Đắk Nông phát triển mạnh cả về lượng và chất

Sản xuất rau củ ở Đắk Nông đang ngày càng được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, từng bước hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Hướng đi này mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp hiện đại, đáp ứng thị trường và tạo sinh kế ổn định cho nông dân.
htx-thinh-phat-xa-quang-son-huyen-dak-glong-dak-nong-thu-hoach-cai-thao-phuc-vu-xuat-khau-1743924980.jpg
HTX Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thu hoạch cải thảo phục vụ xuất khẩu.

Mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho nông dân

Tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, Đắk Nông), hàng trăm hộ dân đang cùng Hợp tác xã Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ – Thương mại Thịnh Phát (HTX Thịnh Phát) triển khai mô hình trồng cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Những luống rau xanh mướt nơi vùng đất đỏ bazan mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời còn là nguyên liệu đầu vào cho Công ty CJ Foods Việt Nam chế biến thành kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Từ năm 2022, với sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, HTX Thịnh Phát đã xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo đạt chuẩn VietGAP. Mô hình mới này mở ra hướng đi bền vững, giúp người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang chuyên canh quy mô lớn, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập và tạo chỗ đứng cho nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Toản - Giám đốc HTX Thịnh Phát, khẳng định: “Chất lượng kim chi chế biến từ cải thảo Quảng Sơn của chúng tôi hiện nay về chất lượng hoàn toàn có thể sánh ngang với sản phẩm bản địa truyền thống của Hàn Quốc – cái nôi của món ăn nổi tiếng này”.

mot-nong-ho-tai-xa-thuan-hanh-huyen-dak-song-dang-kiem-tra-chat-luong-vuon-ca-rot-truoc-khi-thu-hoach-1743925046.jpg
Một nông hộ tại xã Thuận Hanh (huyện Đắk Song) đang kiểm tra chất lượng vườn cà rốt trước khi thu hoạch.

Từ những luống rau đơn lẻ, người dân nơi đây đã bắt đầu hành trình làm nông nghiệp có định hướng, có đầu ra. Ông Bế Văn Chiến, nông dân bon N’ting (xã Quảng Sơn) chia sẻ chân thành: “Trước kia, chúng tôi trồng rau theo cách truyền thống, manh mún, thu nhập lúc được lúc mất. Từ khi tham gia chuỗi liên kết, sản phẩm được bao tiêu với giá ổn định, đời sống gia đình tôi và nhiều hộ khác thay đổi rõ rệt”. 

Ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, đánh giá việc chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo bước ngoặt cho nông nghiệp địa phương. “Bà con không còn làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm như trước, mà đã biết gắn bó trong chuỗi giá trị, cùng nhau sản xuất có trách nhiệm để tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng và nâng tầm giá trị” - ông K’Siêng chia sẻ.

nong-dan-dak-nong-dang-dan-thay-doi-tu-duy-san-xuat-rau-xanh-theo-huong-quy-mo-hang-hoa-1743924942.jpg
Nông dân Đắk Nông đang dần thay đổi tư duy sản xuất rau xanh theo hướng quy mô hàng hóa.

Nhờ áp dụng mô hình liên kết sản xuất theo chuẩn VietGAP, năng suất cải thảo ở xã Quảng Sơn đạt trung bình 30 tấn/ha/vụ, thậm chí có hộ chăm tốt đạt tới 60 tấn. Trong 3 năm qua, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/ha/năm – một con số đầy khích lệ. Hiện mỗi tháng, Hợp tác xã Thịnh Phát đều đặn cung cấp từ 50 – 100 tấn cải thảo VietGAP cho đối tác xuất khẩu, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản Quảng Sơn trên thị trường quốc tế.

Nâng cao giá trị nông sản gắn với định hướng xuất khẩu

Đắk Nông đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển nông nghiệp bền vững. Một trong những giải pháp then chốt là quy hoạch các vùng chuyên canh rau, củ, quả tại các địa phương có tiềm năng như Đắk Glong, Đắk Song và Đắk R’lấp. Song song với đó, tỉnh tích cực khuyến khích người dân liên kết thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Điều đó giúp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh, đồng thời mở ra cơ hội tìm đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản địa phương.

can-bo-khuyen-nong-huong-dan-nong-dan-xa-dak-ha-huyen-dak-glong-cham-soc-rau-xanh-theo-huong-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-1743925069.jpg
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) chăm sóc rau xanh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 1.730ha diện tích trồng rau, củ các loại, cho sản lượng gần 26.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn tiêu thụ nội địa, sản lượng xuất khẩu còn hạn chế. Dù vậy, những tín hiệu khởi sắc đang dần rõ nét. Riêng trong năm 2024, hơn 6.000 tấn rau, củ của địa phương đã được xuất khẩu – con số tuy chưa lớn nhưng đủ khẳng định tiềm năng và xu hướng phát triển bền vững của ngành hàng này.

Những năm gần đây, một số đơn vị như HTX Thịnh Phát hay Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông đã tiên phong đưa rau, củ của địa phương tiếp cận thị trường quốc tế. Đáng mừng là ngày càng nhiều nông hộ, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang dần được khắc phục.

hien-nay-huyen-dak-song-da-xay-dung-duoc-vung-chuyen-canh-san-xuat-rau-xanh-on-dinh-1743925100.jpg
Hiện nay huyện Đắk Song đã xây dựng được vùng chuyển canh sản xuất rau xanh ổn định.

Ông Nguyễn Văn Chương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: “Để nông sản đứng vững trên thị trường, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu, thì sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGAP hay hữu cơ không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc. Đây chính là chìa khóa giúp ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương”.

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang đặt mục tiêu nâng tầm giá trị nông sản bằng cách đồng hành cùng nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, đẩy mạnh khâu bảo quản và chế biến sâu. Chỉ khi hình thành được chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ, ngành rau, củ, quả Đắk Nông mới thật sự phát huy hết tiềm năng” - ông Chương nhấn mạnh./.

Kiến Giang