Những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến 3 cấp tới các địa phương trong tỉnh về Chuyển đổi số năm 2024 của tỉnh Bắc Kạn ngày 08/10.
Chuyển đổi số đã đi vào nhận thức và thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã triển khai Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Chỉ thị này đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện, từ đó thúc đẩy nhận thức về vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, hiệu quả và kết nối liên thông trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế và xã hội.
Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Chỉ thị số 09-CT/TU, Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số đã có sự thay đổi tích cực. Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp đã xây dựng kế hoạch sát với định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó người dân và doanh nghiệp được coi là trung tâm và mục tiêu của sự phát triển.
Hiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số nhiều địa phương tại tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động; 100% đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 04 cấp hành chính; Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,9%; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được duy trì kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tạo thuận lợi cho việc xác thực thông tin về nơi cư trú trên môi trường điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp không phải xuất trình bản giấy những thành phần hồ sơ liên quan đến xác định nơi cư trú...
Chị Lý Thị Chanh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thiên An, một đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thảo dược, đồ thủ công truyền thống người Dao tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cho rằng nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số đã được thay đổi rõ rệt: "Trước đây chúng tôi chủ yếu đi chào bán ở các hội chợ, các gian hàng thôi. Sau chúng tôi chuyển sang cả các trang mạng như facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử...thì việc bán hàng đã dễ hơn, hàng chúng tôi nhiều người biết đến và thu nhập cao hơn do có nhiều đơn hàng hơn”.
Coi chuyển đổi số là cơ hội để tăng tốc, phát triển
Dù vậy trong quá trình chuyển đổi số, Bắc Kạn cũng gặp không ít khó khăn khi thói quen và kỹ năng số cơ bản của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; một số thôn bản còn chưa có điện lưới quốc gia, mức độ phủ sóng viễn thông di động chưa đồng đều; Các mô hình kinh tế số, xã hội số chưa có bước chuyển biến rõ nét, tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh chưa cao... Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đối với Bắc Kạn trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới.
Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận, đánh giá lại những khó khăn, hạn chế để cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ban lãnh đạo mong muốn thông qua sự chia sẻ thông tin và định hướng từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bắc Kạn sẽ có những bước phát triển vững chắc hơn trong chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Muốn chuyển đổi số thành công cần chuyển đổi từ nhận thức, cần coi chuyển đổi số là cơ hội để tăng tốc, phát triển. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, các địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cơ bản và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp;
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu gương, tiên phong trong việc thử nghiệm các mô hình mới, cách làm hay và các giải pháp về chuyển đổi số; lãnh đạo, cán bộ, công chức, thành viên của doanh nghiệp, HTX, người dân coi chuyển đổi số là người bạn đồng hành; không ngừng phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; tập trung thúc đẩy hoạt động kinh tế số, xã hội số; gắn chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, Đề án 06 tại địa phương.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để tỉnh Bắc Kạn có bước tiến vượt bậc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng góp vào sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội của địa phương.
Ông Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Bắc Kạn cho biết: "Trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tham mưu để tăng cường, nâng cao chất lượng trên cả ba trụ cột là chính quyền, kinh tế số và xã hội số. Với Chính quyền số thì tập trung vào nâng cao chất lượng các hạ tầng, phần mềm dùng chung, hoàn thiện các trung tâm, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Về hạ tầng số tiếp tục thúc đẩy cái việc phủ sóng 3G, 4G, 5G tại những địa bàn lõm sóng và tăng cường số lượng thuê bao cáp quang sử dụng Internet, nâng lượng người dân có điện thoại thông minh và nâng cao khả năng an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng dẫn người dân tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường mạng"./.