Phát triển làng nghề tạo nền tảng vững chắc cho nông thôn mới

Phát triển làng nghề được xem là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tại Thanh Hóa, với truyền thống nghề nghiệp lâu đời và sự quan tâm của chính quyền, các làng nghề đang dần hồi sinh, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê xứ Thanh.
lang-nghe1-1744123106.jpg
Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống đang được lưu giữ và phát triển.

Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống đang được lưu giữ và phát triển. Với 125 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới. Gần 60.000 lao động đang trực tiếp tham gia sản xuất, góp phần tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc như chiếu cói Nga Sơn, mây tre đan Hoằng Hóa, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), thổ cẩm Bá Thước... Những sản phẩm này không chỉ gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế địa phương.

Các làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới để thích nghi với thị trường hiện đại. Từ cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh tiêu thụ cho đến đạt chứng nhận sản phẩm OCOP – tất cả đều thể hiện nỗ lực vươn lên để khẳng định chất lượng và vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách trọng điểm, trong đó nổi bật là Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 về việc triển khai Đề án phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đề án đặt mục tiêu khôi phục và công nhận ít nhất 5 nghề và 5 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một; phát triển ít nhất 5 làng nghề gắn với tiềm năng du lịch; đào tạo, nâng cao kỹ năng cho 80% lao động và phấn đấu có ít nhất 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

lang-nghe-1-1744123267.jpg
Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nghề đúc đồng làng Trà Đông vẫn giữ còn được nét độc đáo, đặc trưng.

Song song đó, tỉnh cũng tích cực đầu tư hạ tầng cho các làng nghề như giao thông, điện, nước; hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất và cải thiện môi trường sản xuất. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu được đẩy mạnh, giúp các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, hành trình phát triển làng nghề vẫn còn không ít thách thức. Sự thiếu hụt lao động trẻ do xu hướng dịch chuyển về thành phố, khu công nghiệp đang làm "già hóa" lao động làng nghề. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị khiến nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã của thị trường hiện đại. Ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề cũng là vấn đề đáng lo ngại.

lang-nghe3-1744123327.png
Nghề làm bánh gai tứ trụ tại xã Thọ Diên huyện Thọ Xuân giải quyết việc làm gần 1000 lao động địa phương.

Chia sẻ về hướng phát triển bền vững cho làng nghề, ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh với 20 năm gắn bó với nghề cói ở Nga Sơn, cho biết: “Muốn sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế, ngoài chất lượng và kỹ thuật, còn cần cả một câu chuyện văn hóa, thiết kế độc đáo và sự minh bạch về nguồn gốc. Chúng tôi đang nỗ lực số hóa quy trình sản xuất, tăng cường liên kết giữa các hộ dân, đầu tư phát triển thương hiệu và bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định”.

Thực tế cho thấy, để phát triển làng nghề, ngoài việc giữ lại nghề cũ, còn phải là thay đổi tư duy từ bảo tồn đơn thuần sang phát triển có chọn lọc, chuyên nghiệp và hiệu quả. Việc kết hợp làng nghề với du lịch cộng đồng, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, thương mại điện tử. Đồng thời, củng cố vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác nghề nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị khép kín và nâng cao năng lực cạnh tranh là điều cần thiết.

Có thể khẳng định, phát triển làng nghề ở Thanh Hóa không chỉ là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế, mà còn là biểu hiện sinh động của văn hóa, bản sắc và tinh thần tự cường của người dân xứ Thanh. Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, làng nghề Thanh Hóa đang từng bước vươn mình trở thành điểm tựa bền vững cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong thời kỳ hội nhập./.

Hà Khải