Xuôi dòng sông Mã khám phá nét đẹp văn hóa lịch sử:

Bài 3: Để câu hò Sông Mã, níu chân du khách thập phương

Dòng sông Mã là nơi sinh ra và nuôi dưỡng một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng đặc sắc mang tên hò Sông Mã. Đây là làn điệu thể hiện tinh thần, khát vọng của những người dân chăm chỉ và nặng nghĩa tình trên sông nước mênh mông.
song-ma-1-1712745257.jpg
Hò Sông Mã, một điệu hò mang những giá trị rất riêng, thể hiện được tinh thần, khát vọng của những người dân chăm chỉ và nặng nghĩa tình trên sông nước mênh mông.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Dòng sông là nơi mang nhiều yếu tố văn hóa của con người, vùng đất nơi sông chảy qua”. Có lẽ vì thế mà hầu hết những nền văn minh của nhân loại đều gắn liền với những dòng sông như: Sông Nile với nền văn minh Ai Cập, dòng sông Hoàng Hà gắn liền với nền văn hóa Trung Hoa…

Tại Thanh Hóa, Văn hóa xứ Thanh được hình thành cùng với sự chinh phục và khai phá vùng đồng bằng châu thổ sông Mã, một vùng đất sản sinh ra nhiều nền dân ca phong phú, lâu đời. Trong đó có hò Sông Mã, một điệu hò mang những giá trị rất riêng, thể hiện được tinh thần, khát vọng của những người dân chăm chỉ và nặng nghĩa tình trên sông nước mênh mông.

Nhịp của “hiệu ứng đám đông”

Dòng sông Mã hùng vĩ và trù phú mang nặng phù sa nhưng cũng lắm thác ghềnh. Trước đây, để có thể chèo thuyền trên sông, trên mỗi con thuyền, ngoài người chủ đò, còn có một người tháo vát, giàu kinh nghiệm điều khiển chung bằng các hiệu lệnh để chèo chống con thuyền vượt qua thác giữ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, qua bàn tay cần cù và đầu óc sáng tạo của người dân lao động đã cải biên thành điệu hò sông Mã khỏe khoắn, đắm say.

Hò sông Mã được chia ra làm 5 giai đoạn rõ rệt: hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn và hò cập bến. Câu hò thường là câu lục bát. Người “bắt cái” mở đầu bằng “dô ta” và “í ta dô ta” rồi mới xướng vào câu hò mỗi lần hai tiếng, xen kẽ với tiếng hô “dô ta” của trai đò.

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: "Âm nhạc hò sông Mã mang những nét đặc sắc rất riêng và vô cùng “đậm đà bản sắc dân tộc”. Hò sông Mã là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không chỉ nhằm bộc lộ nỗi lòng mình với quê hương đất nước, mà còn nhằm làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hò sông Mã đã theo các đoàn dân công đi tiếp lương, tải đạn, các đoàn thuyền nan và được ứng dụng cả trong hành trình kéo pháo vào trận địa, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

nguoc-xuoi-song-ma-2-1712745455.jpg
Du khách tham gia hát đệm cùng điệu hò Sông Mã trên các chuyến đi.

Khác với các loại hình hò sông nước ở khu vực Tây Nam Bộ, hò sông Mã có sự tham gia của nhiều người, trong đó có người “bắt cái”, và những người hò. Do đó, tất cả mọi người, dù là lần đầu nghe hò sông Mã cũng có thể hát bè, hát đệm theo những nhịp điệu của hò. Càng đông người hát bè, hát đệm càng vui. Qua đó tái hiện một phần của cuộc sống trên sông nước mênh mông.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh của các thể loại âm nhạc, hò sông Mã cũng có nhiều biến đổi về tiết tấu, nhịp điệu để phù hợp với giới trẻ trong những buổi liên hoan, tụ tập nhưng vẫn giữ được “hồn cốt cổ vũ, động viên, trấn an tinh thần của mọi người.

Với sự tham gia đông đảo của mọi người, nên việc đưa những làn điệu dân ca trong các tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” trên các con thuyền, đặc biệt là hò sông Mã là rất cần thiết. Qua đó, tạo được cuộc chơi chung cho du khách, đồng thời cũng từng bước quảng bá nền văn hóa xứ Thanh phong phú và đang dạng đến với khách thập phương.

Vắng người sang những chuyến đò

Du lịch đường sông dù được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch trọng điểm có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa và có hệ thống hạ tầng vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng đảm bảo, trong đó có tuyến du lịch sông Mã. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào khai thác và sử dụng, tour Du lịch "Ngược xuôi sông Mã” vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Trong giai đoạn đầu đi vào khai thác, “Ngược xuôi sông Mã” đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia trải nghiệm. Tuy nhiên, từ sau đại dịch, tuor du lịch này đã dần bị “lãng quên”.

Hiện nay, tuyến du lịch "Ngược xuôi sông Mã" của Công ty Cổ phần Quản lý đường thủy nội địa đã đi vào hoạt động phục vụ du khách với 02 tuyến chính, kết nối các điểm đến dọc sông Mã như: Khu du lịch văn hóa lịch sử Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn, Thiền viện Trúc Lâm, Tượng đài nữ sinh, đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, chùa Sùng Nghiêm, đền Cô Bơ, Phủ Vàng... trung bình hàng năm đón và phục vụ khoảng 20.000 lượt khách.

xuoi-nguoc-song-ma-3-1712745628.jpg
Hiện nay, hệ thống hạ tầng cầu cảng để tàu cập bến còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông có liên quan đến khu vực hành lang bảo vệ đê điều nên có khó khăn trong việc xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ khách như: Bến tàu, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng… dẫn đến quá trình khai thác tuyến du lịch trên sông gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do hạ tầng phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông chưa đồng bộ nên việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, yêu cầu về sức khỏe, nhân viên, người lao động cần phải có những kiến thức, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn đường thủy, an toàn cho khách du lịch.

Để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch sông nước. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: Bến tàu, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, đường giao thông kết nối các điểm du lịch…

Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tàu vận chuyển khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khuyến khích khai thác, hình thành các tour du lịch mới kết nối với các khu du lịch trọng điểm như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương.

Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; các giá trị văn hóa phi vật thể, các làng nghề, hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, các vườn hoa cây cảnh, cây ăn trái, vườn rau công nghệ cao…dọc hai bên bờ sông, góp phần cải thiện chất lượng cảnh quan, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sự hấp dẫn, tạo sự trải nghiệm mới cho du khách./.

Bài cuối: Để dòng chảy lịch sử phát triển tương xứng với tiềm năng

Hà Khải