Sông Mã không chỉ được xem là minh chứng sinh động cho lịch sử địa chất Việt Nam, mà nó còn giữ vai trò vô cùng quan trọng để từ đó tạo dựng nên diện mạo xứ Thanh từ miền núi đến đồng bằng.
Dòng sông in bóng di sản
Sông Mã, một trong những con sông gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất xứ Thanh thời sơ sử. Đôi bờ sông Mã hiện còn lưu giữ nhiều các nền văn hóa với nếp sống, phong tục tập quán, gắn với hàng trăm di tích, danh thắng được tạo nên bởi phù sa bồi đắp của sông cộng với sức lao động con người đổ xuống mà gây dựng nên.
Chính bởi vậy mà con sông Mã hiện lên không chỉ nhờ vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ dọc đôi bờ, mà còn bởi một nguồn văn hoá phong phú từ thủa xa xưa chảy về. Dòng sông như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoang sơ, mạnh mẽ nơi thượng nguồn với sự êm ả, lắng đọng nên hạ lưu.
Nói đến những nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã, không thể không nhắc núi Đọ (nằm ở nơi hợp lưu giữa sông Mã và sông Chu, thuộc địa phận xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa và Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa), nơi minh chứng cho sự tồn tại của nền văn hóa sơ kỳ đại đá cũ.
Cũng tại lưu vực sông Mã, cách đây khoảng 7.000 năm, nền văn hóa Đa Bút dọc triền sông cũng từ đó mà hình thành. Các dấu tích của nền văn hóa được đánh giá là “độc đáo và phong phú” trải dài từ vùng trung du đến miền biển.
Bên cạnh những nền văn hóa cổ, sông Mã cũng hiện lên những cảnh sắc nên thơ với những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp, ngàn năm vẫn hiên ngang soi bóng dưới dòng sông. Mỗi một ngọn núi, lại có những đình, đền miếu mạo, gắn liền với những giai thoại trong tiến trình lịch sử của quê nhà. Như núi Hàm Rồng có động Long Quang, núi Kim Sơn có chùa Linh Ứng…
Tiêu biểu nhất là Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ tọa lại tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.
Xung quanh tòa thành đá hơn 600 tuổi là một hệ thống di tích văn hóa tâm linh như: Đền Bình Khương, Chùa Linh Giang, Chùa Báo An, Núi Tiến Sỹ Núi Xuân Đài, động Hồ Công… Xuất phát từ thực tiễn nhằm thu hút khách du lịch tham quan tại khu di sản Thành Nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng tuyến tham quan các di tích, thắng cảnh phụ cận dọc sông mã để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Điểm sáng cho du lịch bốn mùa
Mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, kết hợp với các điểm di tích đôi bờ sông, là thế mạnh để khai thác và phát triển các tour du lịch ngược xuôi sông Mã. Qua đó làm đa dạng các sản phẩm du lịch của xứ Thanh, góp phần làm đưa Thanh Hóa trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả nước.
Để khai thác du lịch trên dòng sông Mã, ngày 11/8/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2997/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Khai thác và phát triển tuyến du lịch Sông Mã đoạn từ Cửa Hới (TP Sầm Sơn) đến huyện Vĩnh Lộc.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa) đứng ra khai thác, phát triển du lịch đường sông. Qua đó nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng xứ Thanh thành điểm du lịch 4 mùa.
Đồng thời, khai thác du lịch trên sông Mã còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh đôi bờ sông. Đẩy các hoạt động trải nghiệm sông nước của du khách, ngắm các cảnh quan ven sông, nghe và tham gia các làn điệu hò sông Mã, tham gia các hoạt động văn hóa trên sông. Đặc biệt là Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.
Hiện nay, Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã đã xây dựng một số chương trình cụ thể để du khách có thể lựa chọn như: bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm - đền Nghè Yên Vực (Phủ Vàng) - đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long - Tượng đài nữ sinh - Thiền viện Trúc Lâm - đền cô Bơ; hoặc du khách có thể đi trên du thuyền, ngắm danh lam, thắng cảnh đôi bờ sông Mã, thưởng thức những làn điệu dân ca, hò sông Mã và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh...
Có thể nói, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là sản phẩm du lịch với những trải nghiệm văn hóa đặc sắc, mà còn hút khách bởi những câu chuyện lịch sử gắn liền với những đổi thay, vận mệnh của vùng đất xứ Thanh trong chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, từ khi đi vào khai thác đến nay, tuyến du lịch này vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp lữ hành lớn trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết.
Đặc biệt, hiện nay mực nước con Sông Mã đã dần cạn do hệ thống các đập thủy nơi thượng nguồn dẫn đến việc di chuyển bằng tàu thủy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc khai thác, kết nối các điểm du lịch dọc sông còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chi phí trải nghiệm một chuyến du lịch trên sông Mã rất cao, nên đơn vị khai thác cần đảm bảo đủ lượng khách thì tàu mới có thể vận hành. Trong khi các đoàn du lịch số lượng lớn tại Thanh Hóa còn ít, đa số là đi riêng lẻ theo hộ gia đình.
Việc phát triển tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới tới du khách gần xa, mà còn mở ra cơ hội đầu tư khai thác và phát triển điểm, tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra cho tuyến du lịch này là đánh thức tiềm năng du lịch đường sông, góp phần đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, cải thiện yếu tố mùa vụ của du lịch xứ Thanh, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Do đó, để khai thác có hiệu quả tuyến du lịch này rất cần có sự vào cuộc từ phía Nhà nước và cả doanh nghiệp./.
Bài 3: Để câu hò Sông Mã níu chân du khách thập phương