Vị thánh bất tử trong tâm tưởng người Việt
Từ xưa người Hà Nội đã có câu ngạn ngữ : “Nắng ông Từa, mưa ông Gióng”. Có nghĩa là cứ vào ngày hôị thánh Từa (tức Từ Đạo Hạnh) mồng 7 tháng 3 âm lịch thì thể nào cũng nắng to, còn vào hội thánh Gióng, mồng 9 tháng 4 âm lịch thì có mưa, vì bắt đầu mùa mưa dông. Lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng là một trong những lễ hội lớn nhất ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương một trong bốn vị thánh bất tử trong tâm tưởng người Việt. Bác Hồ kính yêu đã dành nhiều mĩ từ khi nhắc tới người anh hùng dân tộc này.
Một ví dụ trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp.
Lễ hội Gióng diễn ra trên một khu vực rộng lớn xung quanh những vết tích còn lại của Thánh tại quê hương. Cố Viên, tức vườn cũ nay ở giữa đồng thôn Đổng Viên, tương truyền là vườn cà của mẹ Gióng, tại đây bà đã dẫm phải vết chân ông Đổng, tảng đá có dấu chân thần cũng ở vườn này. Miếu Ban, thuộc thôn Phù Dực, tên cũ là rừng Trại Nòn, là nơi Ngài được sinh ra, hiện tại sau toà miếu còn có một ao nhỏ, giữa ao có gò nổi, trên gò có một bể con bằng đá tượng trưng cho bồn tắm và một chiếc liềm bằng đá là dụng cụ cắt rốn người anh hùng.
Đền Mẫu nơi thờ mẹ Gióng, xây ở ngoài đê. Chùa Kiến Sơ nằm sát đền Thượng thờ cả Tam giáo (Phật Thích Ca – Lão tử – Khổng tử) là nơi thửa nhỏ vua Lý Công Uẩn tu hành. Và đặc là đền Thượng thờ Phù Đổng Thiên Vương là một phức hợp kiến trúc, ngôi đền nằm sát chân đê bờ bắc sông Đuống được xây dựng từ đời Lý, trong đền còn có nhiều câu đối, hoành phi và những đồ thờ tự có giá trị từ đời Lê để lại…
“Lễ hội Gióng chính là niềm tự hào của người dân làng Phù Đổng. Khi tái hiện lại trận đánh hào hùng của Thánh Gióng, người tham dự và khách thập phương được hiểu hơn về lịch sử, văn hóa nước ta từ thời xa xưa”, ông Nguyễn Văn Huy - một thành viên Ban tổ chức cho biết thêm.
Năm 2022, xã Phù Đổng đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”, tạo tiền đề cho việc mở rộng đa dạng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Năm 2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Đổi thay ở vùng đất thiêng
Phù Đổng giờ đã đổi thay nhiều. Bây giờ về với Phù Đổng ngoài đường qua Gia Lâm, theo quốc lộ 1 về hướng Bắc Ninh thẳng tới Cầu Đuống, qua cầu rẽ phải dọc con đê khoảng 7 km thì tới còn có thể từ Hà Nội theo quốc lộc 5 khoảng gần 20km rẽ trái, theo tuyến đường đi Lạng Sơn mới đã gặp đựoc cây đa, bến nước, sân đình huyền thoại gắn với sự tích vị anh hùng.
Phù Đổng là một trong những vành đai xanh cung cấp rau cho thủ đô. Chẳng những rau Phù Đổng trước đây từng nổi tiếng xa gần mà bây giờ bò sữa Phù Đổng, cây cảnh Phù Đổng, nghề trồng dâu nuôi tằm bánkén cũng đã được đầu tư chăm chút phát triển. Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng chia sẻ: Đúng như những điều căn dặn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong dịp về dự Đại hội Đảng bộ Phù Đổng trung tuần tháng 9 năm 2000, trong tương lai nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, tuyến đường nối liền quần thể di tích sẽ được mở rộng và tiền trạm sẽ có nhà khách với lượng hàng hoá phong phú phục vụ khách thập phương xa gần mỗi dịp hành hương về đất Thánh./.