Trên đây là nhận định của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra vào ngày 15/5 tại Thành phố Cần Thơ.
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra
Thống kê cho thấy, cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ khẳng định, thấy rõ vai trò quan trọng của ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
“TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương và cả vùng. Việc phối hợp tổ chức Hội thảo lần này thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay và quyết tâm tìm giải pháp ứng phó hiệu quả của TP Cần Thơ”, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Bảo vệ ĐBSCL là cấp bách nhưng phải tính kế sách trăm năm
Tham luận tại Hội thảo, PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) công bố nghiên cứu của ông về sự thiệt hại các yếu tố rủi ro do tác động hạn và mặn. PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị:
"Cách ứng phó với hạn, mặn hiện nay là thường xuyên cập nhật tình hình khô hạn và xâm nhập mặn; điều chỉnh lịch thời vụ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm và chia sẻ nguồn nước, ưu tiên phân phối nước ngọt cho các lĩnh vực. Đặc biệt, cần phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng".
PGS.TS Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, vấn đề của ĐBSCL là rất lớn và nhà nước rất quan tâm.
Theo PGS Bình, ông trực tiếp tham gia vào đợt hạn năm 2016 và cảm giác rằng hình như các giải pháp chúng ta đề xuất từ năm 2016 đến giờ cũng vẫn là những vấn đề đó, về nước, về xâm nhập mặn...
“Dưới góc độ của tôi, tôi nhìn nhận, có lẽ cần nhấn mạnh nguyên nhân vì sao gây ra hiện tượng này. Nhìn nhận một cách ngắn gọn, phải chăng có ba tác động làm cho tình trạng của ĐBSCL khó khăn, một là biến đổi khí hậu, hai là do con người tại chỗ và ba là do tác động của thượng nguồn”, PGS.TS Phan Thanh Bình nêu ý kiến.
PGS Phan Thanh Bình cũng cho rằng, hiện trạng biến động của môi trường bị tăng lên bởi biến đổi khí hậu, bởi tác động của thượng nguồn. “Hiện nay vấn đề lún sụt và ngập mặn có phải chăng có nguyên nhân sâu xa từ việc chúng ta khát trầm tích, khát cát, khai thác cát, phá hủy địa mạo và khai thác nước ngầm”, PGS Bình nêu.
Từ đó, ông cho rằng cộng đồng nơi đây phải xem lại, phải thay đổi cách sống, cách sản xuất, sinh kế của chúng ta; nhà nước, người dân cũng phải tính chuyện này một cách rất sâu sắc thì mới giải quyết được bài toán này.
Cạnh đó, ông Bình cũng bày tỏ ý kiến rằng vấn đề bảo vệ ĐBSCL là cấp bách, cấp thiết nhưng phải gắn với căn cơ và lâu dài, phải tính kế sách trăm năm chứ không phải vài năm hay vài chục năm.
Cũng theo PGS Phan Thanh Bình, chính sách, giải pháp cho ĐBSCL phải gắn với nguyên nhân và có lẽ chúng ta phải nhìn lại, chính nhà nước, người dân phải nhìn lại chúng ta đang đối xử với vùng đất này như thế nào, đang sống trên đất này như thế nào và cần phải làm cái gì để phù hợp với vùng đất này./.