Xuôi dòng sông Mã khám phá nét đẹp văn hóa lịch sử:

Bài 1: Dòng chảy huyền thoại tạo nên danh thắng

Sông Mã, một dòng sông quanh co uốn khúc lắm thác ghềnh, nhưng cũng mang nặng phù sa bồi đắp. Sông chảy đến đâu cũng tạo nên phong cảnh đẹp, chảy qua núi, núi thành danh lam thắng tích, chảy qua đồng bằng, xóm làng được mùa màng tốt tươi.
song-ma-1-1712152371.jpg
Sông Mã, cầu Hàm Rồng, từ lâu đã trở thành biểu tượng của con người xứ Thanh.

Sông Mã bắt nguồn từ những dãy núi cao trên dưới 1.000m, thuộc địa phận tỉnh Điện Biên, uốn mình gần 120 km qua Lào rồi đổ về Thanh Hóa ở Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát. Dòng sông có diện tích lưu vực gần 9.000 km2, với 89 phụ lưu, là con sông lớn nhất của Thanh Hóa. Trải qua hàng nghìn năm, sông Mã bồi đắp cho đời sống của người dân hai bên bờ, đem phù sa cho vùng đồng bằng Thanh Hóa rộng lớn, màu mỡ.

Dòng chảy của lịch sử

Sông Mã, Hàm Rồng từ lâu đã trở thành biểu tượng của con người xứ Thanh, sông có dòng chảy siết như ngựa “bất kham” nơi thượng nguồn tạo ra nhiều ghềnh thác, nhưng lại yên ả, mang nặng phù sa nơi hạ lưu để trước khi ra biển cả.

Những địa danh mà sông Mã đi qua đều là những nơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng, lưu lại nhiều vết tích của vùng đất cổ. Đây là nơi con người tìm đến sinh sống quần tụ từ buổi sơ khai đến những chiến công oai hùng của con dân xứ Thanh chống lại giặc ngoại xâm trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Quá trình khai quật của các nhà khảo cổ cho thấy, dọc đôi bờ lưu vực sông Mã là nơi phát triển của nhiều nền văn hóa. Việc phát hiện ra dấu tích con người thời tối cổ tại núi Đọ (huyện Thiệu Hóa) hay Hang Con Moong (huyện Thạch Thành) xứng đáng là “bảo tàng” về diễn tiến của các nền văn hóa thời đại đồ đá ở Việt Nam, và Lưu vực sông Mã được xem là “cái nôi của người Việt cổ”.

Không chỉ có vậy, khi xây dựng thành Tây Đô, nhà Hồ đã sử dụng sông Mã là tuyến giao thông đường thuỷ chuyển nguyên vật liệu, trao đổi buôn bán, đồng thời là nơi vãn cảnh của vua quan trong triều. Các địa danh như Bến Đá (thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên), Bến Ngự (thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến) và Bến Giáng (làng Giáng, xã Vĩnh Thành) vẫn tồn tại đến nay cho biết hoạt động của nhà Hồ trên khúc sông này.v.v...

Trong cuộc chiến chống giặc Minh, dòng sông Mã còn có vai trò rất quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là một trong những con đường rút lui thoát hiểm lên vùng đất Bá Thước, Lang Chánh khi nghĩa quân rơi vào tình thế nguy cấp... Dọc dòng sông Mã, sông Âm, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều những địa danh, những sự tích và những truyền thuyết dân gian liên quan đến Lê Lợi và nghĩa quân của Ông trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gian khổ mà anh hùng.

song-ma-3-1712152517.jpg
Khi xây dựng Thành Nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã sử dụng sông mã để vận chuyển nguyên vật liệu

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sông Mã là nơi ghi lại những tội ác của quân thù và chiến công chói lọi của dân quân xứ Thanh. Biết bao làn mưa bom, bão đạn của quân thù đã tập trung trút xuống nơi này, khiến cho dòng sông nhuộm đỏ màu máu đào của những anh hùng, liệt sỹ đã mãi mãi nằm lại bên dòng sông. Để từ đó, tạo nên huyền thoại về ý chí bất khuất kiên cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân.

Danh thắng đôi bờ sông Mã

Từ nước bạn Lào, sông Mã đổ vào địa phận xứ Thanh tại cửa khẩu Tén Tằn của huyện Mường Lát, đi qua bao thác ghềnh, con sông Mã hòa quyện cùng sông Luồng và sông Sơn Trà tạo nên phố Hồi Xuân huyện Quan Hóa là tụ điểm giao lưu nổi tiếng ở miền núi Thanh Hoá từ xưa.

Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Thái, người Mường và người Hoa, với nhiều nét văn hóa, phong tục cổ còn được lưu giữ. Nơi sinh sống của "Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban" - vị thủ lĩnh tài ba, giỏi võ nghệ, đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi nước ta. Ông cũng là người có công khai phá vùng đất Mường Ca Da của cộng đồng người Thái cổ.

Đặc biệt, tại Phá Ú Hồ (xã Phú Thanh, Quan Hoá) - một địa danh thắng cảnh, cũng là địa điểm trận địa bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Như một lời hẹn ước, dòng sông Mã chảy đến đâu, tạo nên danh thắng ở đó. Sông chảy đi qua huyện Bá Thước, tạo nên những ghềnh, thác, hang động với những cảnh quan mỹ lệ, huyền bí, xuất hiện nhiều truyền thuyết, giải thoại thần kỳ và thơ  mộng, với những câu hò quen thuộc đối với người ngược, xuôi trên dòng sông.

“Núi Vồm gần nẻo thuyền đi/ Lái sào đều nhịp ta về ngã ba/ Trong thuyền từ trẻ tới già/ Thấy con sông Mã lòng đà mừng thay” (Hò sông Mã).

Tại đây, sông Mã còn được chứng kiến những trận đánh lịch sử của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo hồi thế kỷ XV. Nơi đây còn lưu nhiều dấu tích trong phong trào Cần Vương chống Pháp hào hùng của các văn thân, nghĩa sĩ, đồng bào các dân tộc tại miền núi rừng Thanh Hoá hồi nửa sau thế kỷ XIX như: Đền thờ Hà Văn Nho (xã Văn Nho), là những nơi chứng kiến nhiều trận chiến đấu đánh giặc kiên cường và chiến thắng vẻ vang của quân và dân Thanh Hoá.

song-ma-2-1712152703.jpg
Lễ Hội Mường Cada (Quan Hóa), nơi thờ tự của "Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban" - vị thủ lĩnh có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi nước ta

Khi dòng Mã giang đến đất Vĩnh Lộc, chuẩn bị hòa cùng sông Chu để về với biển cả, sông Mã mang trong mình một nét đặc trưng của vùng đất Di Thế giới Thành Nhà Hồ, kết hợp với các màu sắc tâm linh nổi tiếng như Đền Bình Khương, chùa Linh Giáng, Chùa Tường Vân… đây là nơi “tụ linh khí cho bền long mạch”, thu hút du khách gần xa đến tham quan, lễ Phật.

Khi chảy đến TP Thanh Hóa, Sông Mã trở nên mềm mại hơn, tạo nên “một thể thống nhất” với núi Hàm Rồng. Sự tích núi Rồng gắn liền với sự tích sông Mã, núi do “Rồng thiêng” mà thành, sông bởi “Ngựa thần” mà nên. Ở đây còn có làng cổ Đông Sơn, một làng quê ấy xuất hiện từ thuở Hùng Vương. Tại đậy, khảo cổ học đã phát hiện được các di vật tiêu biểu của thời đại đồng thau, đặc biệt với “trống đồng Đông Sơn” mang phong cách nghệ thuật riêng biệt toả ánh hào quang của “văn hoá Đông Sơn” trên bầu trời Đông - Nam Á.

Trên hành trình 410 km đổ vào đất Việt, sự hùng vĩ của dòng sông Mã gắn liền với sự hình thành của miền đất xứ Thanh suốt từ vùng cao tới tận vùng đồng bằng và miền biển, tạo ra nhiều cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa lịch sử đến ẩm thực phong phú và đặc sắc. Qua đó, để tỉnh Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành khu vực du lịch trọng điểm của quốc gia./.

Bài 2: Thế mạnh để khai thác du lịch văn hóa tâm linh

Hà Khải