Xuất khẩu gạo đang chịu áp lực cạnh tranh về giá

Trong xuất khẩu gạo, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh, tăng được sức cạnh tranh khi ra thị trường quốc tế.
xuat-gao-gao-dnktx2-1717889130.jpg
Xuất gạo Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị. Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Tuy nhiên hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta cần tập trung nhận diện và có giải pháp căn cơ để khắc phục. Tại cuộc họp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Trong xuất khẩu gạo, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng”.

Ông Minh Hoan cho rằng, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với kim ngạch kỷ lục 4,7 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu chủ lực. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu đã giảm từ 5 - 8 USD/tấn. Trong đó gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 8 USD, xuống còn 574 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 25% tấm giảm 5 USD, xuống còn 552 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn). Đối mặt với sự cạnh tranh về mặt hàng gạo giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.

 Các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất gạo Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do El Nino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

xuat-khau-gao-dnktx-1717888983.jpg
Nếu áp dụng giá sàn, người nông dân và doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi

Áp dụng giá sàn, giá gạo nội địa sẽ giảm sâu, thòi nhất người nông dân

Trong vận hành thị trường nông sản, nguồn cung bị ảnh hưởng rất lớn từ tác động từ thời tiết, mùa vụ và dịch bệnh. Vì thế yếu tố tương lai sẽ quyết định đến xu hướng giá. Doanh nghiệp có thể nhận định xu hướng giá tương lai giảm và ký hợp đồng với giá thấp hơn. Vì hợp đồng xuất khẩu này giao hàng vào tháng 7. 

Ngược lại trong trường hợp, giá thị trường tăng, doanh nghiệp chấp nhận vẫn phải giao hàng và chấp nhận lỗ. Đó là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, không thể nói là đây là sự ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân, cũng không thể nói đây là phá giá

Bởi, giá sàn không có giá trị khi giá thị trường thế giới cao hơn giá sàn. Còn trong trường hợp, giá thị trường thế giới thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước khác trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… Như vậy gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. 

Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy, nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Bằng chứng trong nhiều năm trước đã xảy ra và Việt Nam đã bỏ giá sàn xuất khẩu gạo

Nếu áp dụng giá sàn, giá gạo nội địa sẽ giảm rất sâu và người chịu thiệt thòi nhất là người nông dân. Trước đây, người nông dân cũng đã bị gánh chịu chính sách này. Bên cạnh đó, để thay đổi giá sàn sẽ phải quyết định từ Chính phủ. Khi đó việc quyết định sẽ không thể nhanh và doanh nghiệp sẽ là người tổn hại tiếp theo. 

Khi áp dụng giá sàn thì các đơn hàng xuất khẩu đều phải thông qua VFA để đăng ký mới xuất khẩu được. Như vậy sẽ phát sinh thủ tục hành chính và chi phí với doanh nghiệp.

Trước đây, khi áp dụng giá sàn cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng.

Thực trạng hiện nay việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Trong thời gian tới, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo./.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN& PTNT) diện tích sản xuất lúa năm 2024 của cả nước ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.
Trần Minh