Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đều tiếp tục xu hướng giảm. Ngày 22/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 613 USD/tấn, Thái Lan 603 USD/tấn, Pakistan 598 USD/tấn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm 31/8 (giá FOB) thì giá gạo của Việt Nam đã giảm 34 đô la Mỹ trên mỗi tấn xuất đi. Thời điểm đó, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 647 đô la Mỹ, Thái Lan là 637 đô la Mỹ, giảm 34 đô la Mỹ/tấn, gạo Pakistan cũng giảm 24 đô la Mỹ tấn, từ 622 đô la vào cuối tháng 8 xuống còn 598 đô la Mỹ/tấn. Đối với gạo 25% tấm, mức giảm lần lượt của Việt Nam là 34 đô la Mỹ tấn (từ 632 đô la xuống còn 598 đô la/tấn), Thái Lan là 22 đô la, Pakistan là 14 đô la Mỹ/tấn, từ 547 đô la xuống còn 533 đô la Mỹ/tấn.
Hiện giá gạo đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát (như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ), tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mì).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Vì vậy từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường vẫn rất khả quan.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu thời gian tới có nhiều khả năng sẽ không còn tăng nhiều do các quốc gia nhập khẩu đã có sự thích ứng nhất định sau một thời gian khủng hoảng. Do đó, để tăng sản lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, thì các doanh nghiệp vẫn hướng tới triển khai các hợp đồng gạo chất lượng cao với giá bán cao.