Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, vượt giá gạo Thái Lan

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên 19/8, cả gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đều vượt gạo cùng loại của Thái Lan. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
gia-lua-gao-hom-nay-16-8-2023-giong-lua-om-giam-gia-202308161134402711-1692431545.jpg
Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng vượt giá gạo Thái Lan. Ảnh minh họa

Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn. Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hôm nay cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.

Trước đó, vào phiên giao dịch ngày 18/8, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng thêm 10 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 618-622 USD/tấn; gạo 5% tấm giữ nguyên ở mức 628-632 USD/tấn; gạo chất lượng cao jasmin giá 748-752 USD/tấn…

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, thu về 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt tính đến hết tháng 7/2023. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt gần 1,94 triệu tấn với kim ngạch 984,9 triệu USD, giảm 2,1% về lượng nhưng tăng 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp sau đó là Trung Quốc và Indonesia. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 413,5 triệu USD, tăng mạnh 70,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Indonesia đạt 299,4 triệu USD, tăng đột biến 1.527%, tức gấp hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2023, một loạt thị trường tăng mua mạnh gạo Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 7,1 triệu USD, gấp gần 75 lần so với cùng kỳ năm ngoái; sang Chile gấp hơn 27 lần, sang Bỉ gấp gần 4 lần, Đài Loan gấp 2,8 lần,...

Trong khi đó, trên thị trường bán lẻ, giá gạo trong nước tiếp tục leo thang. Và được dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong những ngày tới hoặc có thể ngay trong chiều nay, khi lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường của Ấn độ chính thức có hiệu lực từ 20/8.

Song ở hệ thống siêu thị và các cửa hàng bình ổn giá, giá gạo vẫn được duy trì ở mức bình ổn do các địa phương đã có sự chuẩn bị nguồn cung từ trước để tham gia các chương trình bình ổn thị trường do Bộ Công Thương phát động từ đầu năm.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 17/8/023, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TPHCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ: 42 thương nhân, Long An: 25 thương nhân, Đồng Tháp: 19 thương nhân, An Giang: 18 thương nhân, Hà Nội: 10 thương nhân, Tiền Giang: 8 thương nhân… Hiện nay, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà RịaVũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh.

Hương Lan