Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu

Ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến cuối giờ chiều 10/2, hơn 400 trạm đổ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng trạm xăng dầu đóng cửa để găm hàng, chờ giá lên.

Cụ thể, từ ngày 31/1/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã triển khai kế hoạch cho các đội quản lý thị trường các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Long, những ngày trước, đội quản lý thị trường các huyện đã kiểm tra các trạm đổ xăng dầu, cũng có phát hiện một số trạm xăng dầu ngưng tạm thời trong vài giờ, nguyên nhân được xác định đang chờ tiếp nguyên liệu theo đúng chu kỳ, không có dấu hiệu đóng cửa găm hàng. Qua kiểm tra, công tác cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn hoạt động liên tục bình thường, không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

gia-xang-co-the-giam-16386085649432100984351-1644507053.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ông Châu Thanh Long khẳng định, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh sẽ không nhân nhượng mọi hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu có thời hạn hoặc nặng hơn, sẽ kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của đơn vị vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tại tỉnh Hậu Giang, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay Sở Công Thương chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thường xuyên các cơ sở, cửa hàng kinh doanh, mua bán xăng dầu đảm bảo không để xảy ra khan hiếm trong cung ứng mặt hàng nay.

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu; trong đó tập trung kiểm tra về giá cả, cung ứng hàng hóa và thực hiện quy định về thời gian bán hàng theo quy định. Nhìn chung các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, hàng hóa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân; cửa hàng có niêm yết giá và bán đúng giá quy định; thực hiện đúng quy định về thời gian bán hàng; không phát hiện buôn bán hàng giả, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện có 6 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh, trong đó có 1 cửa hàng có văn bản gửi Sở Công Thương và được Sở chấp thuận; nhắc nhở 1 cửa hàng; một số ít cửa hàng hết xăng do sức mua tăng đột biến và nguồn cung xăn dầu chưa về kịp, nhưng vẫn mở cửa bán dầu. Đoàn đã lập biên bản kiểm tra đối với 4 cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương và không có lý do chính đáng, đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp mở cửa bán xăng dầu phục vụ nhân dân theo đúng thời gian đã đăng ký.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương điều tiết và chỉ đạo thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 229 cửa hàng xăng dầu và 9 thương nhân phân phối xăng dầu hoạt động. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh có một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa kịp thời đảm bảo nguồn cung hàng hóa để phục vụ nhân dân; cũng như tự ý ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương và không có lý do chính đáng./.