Những năm trở lại đây, xu hướng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đơn cử như doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) :Năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ chỉ đạt 18 tỷ USD. Đến năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 100 tỷ USD; năm 2021, thị trường đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung của thế giới.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (AGRITRADE, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam đang rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch. Cụ thể: Thứ nhất, thu nhập của người tiêu dùng tăng: Việt Nam là một nước có quy mô dân số lớn với 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao. Thực tế cho thấy người dân có thu nhập ngày càng cao thì sẽ chú ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn và sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe và phần nào đó thể hiện được bản thân.
Thứ hai, nền sản xuất phát triển cả về chất lượng, số lượng, phong phú chủng loại và thân thiện môi trường. Hiện nay, nhiều DN nông sản hiện nay đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau, phong trào sản xuất nông sản hữu cơ cũng phát triển rộng khắp. Việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong khoảng 5 năm gần đây.
Theo số liệu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 là 50.000 ha, đến năm 2020, con số này tăng lên thành 240.000 ha. Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ hơn 300 triệu USD/năm, đáp ứng thị trường nội địa và đã xuất khẩu tới khoảng 180 nước.
Bên cạnh đó, dù hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực (33% ở Philipin, 34% ở Thái Lan, 60% ở Malaysia, 90% ở Singapore...). Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Công thương các kênh bán lẻ hiện đại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm so với tốc độ khoảng 1% của chợ truyền thống. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã, giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Tại các thành phố, không khó để bắt gặp hình ảnh các cửa hàng thực phẩm hữu cơ, hoa quả sạch. So với chợ truyền thống, nông sản ở đây bán đắt hơn khá nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, bởi hàng có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định và giám sát chất lượng. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, người tiêu dùng ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình, các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc, an toàn, không dư lượng các chất bảo quản, tốt cho sức khỏe được lựa chọn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành Nông nghiệp, nông sản Việt hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu, bên cạnh đó thông tin về thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài.
Vì vậy, để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh theo ông Nguyễn Minh Tiến cần phải có một số giải pháp căn cơ như sau: Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cần kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông sản sạch, điều tra, xác minh, xử lý vi phạm, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tái phạm đối với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng; Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản nhằm nâng cao giá trị để thấy sự khác biệt nông sản sạch; Đối với các đơn vị sản xuất nông sản, cần tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật và xu hướng, nhu cầu khách hàng. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng thị trường: Tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức sản xuất và chuyển đổi tư duy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; đổi mới về khoa học công nghệ chế biến, bảo quản; Áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình sản xuất đạt chuẩn; Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống Logistics chuyên biệt nông sản để giảm thiểu chi phí, đảm bảo chất lượng nông sản trong cả chuỗi cung ứng.