Chi phí logistics quá cao làm giảm tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới

Tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics" mới đây, các chuyên gia nhận định, hệ thống logistics với một số yếu tố về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Chi phí logistics quá cao đang làm giảm tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Những năm qua, nông sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD - chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị. Theo báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” (“SPEARHEADING VIETNAM’S GREEN AGRICULTURAL TRANSFORMATION”) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố năm 2022, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.

vai-thieu-1687594975.jpg
Nông sản xuất khẩu khó cạnh tranh vì chi phí logistics quá cao. Ảnh minh họa

Chia sẻ về những khó khăn, bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho rằng, ngành rau quả Việt Nam đang phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo sự cạnh tranh và tăng trưởng xuất khẩu. Bởi nông sản là mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ về chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần có sự kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp logistics, hệ thống logistic không chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị nông sản mà còn được ví như là đòn bẩy quan trọng giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt nam.

Phản ánh khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến chi phí logistics, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, chi phí logistics nông sản tại Việt Nam đang chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 12% hay thế giới 14%. Nông sản của thị trường nước khác có thể không hơn về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logitstic thôi thì giá thành sản phẩm Việt đã hơn các thị trường khác mười mấy %. Do đó, nông sản Việt Nam chúng ta khó có thể cạnh tranh.

Về khó khăn do cơ sở hạ tầng, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ phát triển chưa đồng bộ và chưa thật sự kết nối làm phát sinh nhiều thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá thành của nông sản. Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao/điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản còn thiếu. Trong khi đó, phần lớn nhân lực logistics trong phục vụ nông nghiệp còn thiếu kinh nghiệm,thiếu sự hiểu biết về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp... dẫn đến tình trạng các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân tán.

Từ đó, để tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt theo các chuyên gia cũng như đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, cần tăng cường đầu tư hạ tầng logistics, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung chủ lực. Kết nối đường bộ, đường sắt để phát huy sức mạnh tổng thể logictics nội địa. Quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản có kho mát để phân loại bảo quản, sơ chế nhằm giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành.

mrs-hoa-1687594979.jpg
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam trong thời gian sắp tới, cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là Phát triển mô hình liên kết, cụ thể:

Về giải pháp về hạ tầng: Cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng Logistics chuỗi lạnh (kho bãi và vận chuyển) hướng tới kết nối khu vự; Tăng cường vận tải đa phương thức, phát triển dịch vụ vận tải hàng không để tăng shelf-life cho hàng nông sản xuất khẩu; Kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại; Các LSP chú trọng Smart cold chain logistics; Áp dụng các ứng dụng kiểm soát khí quyển trong quá trình vận chuyển để tăng hiệu quả toàn chuỗi đối với hàng rau quả tươi.

Về Thể chế chính sách và nguồn nhân lực: Cần thiết lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh: sản xuất-chế biến-thương mại; Quy hoạch đất cho các trung tâm/cụm logistics và trung tâm chế biến sau thu hoạch; Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là khung pháp lý, liên quan đến liên kết vùng, Cải thiện kết nối khu vực; Phát triển nguồn nhân lực logistics cho chuỗi lạnh; Phát triển nền tảng điện tử cho logistics chuỗi lạnh (bản đồ chuỗi lạnh, chia sẻ dữ liệu & cơ sở hạ tầng); Tăng cường vai trò của hợp tác công tư (PPP).

Đặc biệt, viện trưởng VLI cũng đề xuất phát triển mô hình liên kết 2 nhà với 2 hiệp hội là VLA và Vinafruit. Phát triển mô hình liên kết 4 nhà gồm VLA, Vinafruit, UNIDO và VLI. “Cần liên kết các đơn vị tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian. Liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới”, Viện trưởng VLI nhấn mạnh.

Đông Nghi