Tư duy nông nghiệp xanh tăng khả năng thích ứng, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp

Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh.
nong-nghiep-xanh-1-1718590326.jpg
Mô hình lúa - tôm giúp người dân Cà Mau giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp..., đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận: “Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được.”

Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa-rươi-cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.

nong-nghiep-xanh-2-1718590312.jpg
Hải Dương hiện có khoảng gần 1.000ha sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, không chỉ mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà còn định vị thương hiệu sản phẩm hữu cơ an toàn. (Ảnh minh họa)

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tây Nguyên cũng vậy. Từ nông trại càphê, cây ăn quả, thay vì đốt phụ phẩm dẫn đến phát tán hiệu ứng khí nhà kính, người nông dân đem tái chế, băm nhỏ tạo thành phân sinh học bón cho cây trồng.

Chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang có hiệu ứng mạnh mẽ ở nhiều địa phương, chi phí thấp hơn mà hiệu quả sản xuất vẫn đảm bảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay, người tiêu dùng không đơn giản chỉ mua một sản phẩm mà họ mua cả quy trình tạo ra sản phẩm đó với tổng hợp nhiều chuẩn mực như các yếu tố môi trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không), các yếu tố lao động… Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.

Cần tạo sức hút doanh nghiệp đầu tư liên kết trong nông nghiệp xanh

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và cũng là nhân tố giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Đến cuối năm 2023, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đặt vấn đề, “phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.”

Một trong những đầu vào trong sản xuất nông nghiệp xanh là thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học đặc tính chuyên tính cao.

nong-nghiep-xanh-3-1718590401.jpg
Khởi động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu, hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Ngành nông nghiệp đang xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải, thu được hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon.

Việc triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết để thực hiện Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, bên cạnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tiêu chí, thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Nông nghiệp là ngành phát thải carbon lớn, để có thể tiếp cận được nguồn tài chính xanh, đáp ứng được hệ tiêu chí xanh đòi hỏi doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ về gene, công nghệ tưới tiêu, trồng trọt thích ứng với môi trường… Những yếu tố khoa học công nghệ sẽ giúp nông nghiệp giảm phát thải, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái./.

Trọng Bình