Nông nghiệp xanh tạo lộ trình sản xuất bền vững của Đắk Nông

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, nhiều nông dân Đắk Nông đã tìm tòi áp dụng có hiệu quả và tìm cách nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.
nhieu-chu-vuon-trong-sau-rieng-o-dak-nong-dang-chuyen-sang-canh-tac-theo-huong-huu-co-1714180018.jpg
Nhiều chủ vườn trồng sầu riêng ở Đắk Nông đang chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ

Ông Phan Viết Cường ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) có trên 3ha diện tích chuyên canh sầu riêng, cho năng suất và sản lượng tốt trong nhiều năm qua. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã chọn vườn cây của ông Cường làm mô hình thí điểm về canh tác sầu riêng bền vững.

Ông Cường cho biết, kể từ ngày thực hành nông nghiệp xanh - sạch đã giúp ông kiểm soát tốt được chất lượng nông sản. Nó bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, kể cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ và chất kích thích tăng trưởng. Ông Cường cho biết "Từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được tôi ghi chép và kiểm tra đầy đủ từng ngày để kịp thời truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề khi sử dụng sản phẩm”.

Ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) cho biết sản xuất xanh là cơ hội để các cơ quan nhà nước và nông dân mở hướng tiếp cận với thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH đang tác động ngày càng rõ rệt đối với ngành Nông nghiệp.

Ông Tôn nhấn mạnh: “Người sản xuất nông nghiệp cần phải nắm vững và tuân thủ các quy trình kỹ thuật nông nghiệp được hướng dẫn. Việc thực hành nông nghiệp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao cho sản xuất cũng như bảo vệ môi trường sinh thái và đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ”.

vuon-tieu-canh-tac-theo-huong-huu-co-cua-mot-thanh-vien-thuoc-htx-binh-minh-o-xa-ea-po-huyen-cu-jut-dak-nong-1714180060.jpg
Vườn tiêu canh tác theo hướng hữu cơ của một thành viên thuộc HTX Bình Minh ở xã Ea Pô (huyện Cư Jút - Đắk Nông).

Hiện nay, ở Đắk Nông đã có nhiều HTX áp dụng hiệu quả quy trình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và các tiêu chuẩn chứng nhận. Việc áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đã thay đổi đáng kể tập quán canh tác của nông dân. Từ đó, tiến đến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tạo ra các loại nông sản chất lượng cao hơn, sạch hơn và thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì hiện nay đã có nhiều người áp dụng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn vào sản xuất. Tuy nhiên, đa số vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nhiều nơi chưa thể tập trung thành quy mô lớn và cũng thiếu liên kết chặt chẽ nên hiệu quả chưa rõ rệt.

dien-tich-trong-trot-theo-huong-huu-co-cua-tinh-dak-nong-hien-nay-1714180083.jpg
Diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ của tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Ông Chương phân tích: “Sở dĩ vẫn còn nhiều nông dân thờ ơ với loại hình sản xuất này là do chi phí cao, thu nhập chưa ổn định. Trong giai đoạn đầu chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, nông dân phải đối mặt với việc sụt giảm sản lượng. Năng suất cây trồng có khi giảm đến 20-25% so với sản xuất thông thường khiến cho nhiều người ngần ngại”.

Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp tại địa phương vẫn còn đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản của mình. Công tác quản lý chất lượng còn nhiều hạn chế khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác.

viec-dung-phan-bon-hoa-hoc-va-thuoc-bao-ve-thuc-vat-se-duoc-kiem-soat-chat-che-khi-canh-tac-theo-huong-huu-co-xanh-sach-1714180003.jpg
Việc dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sẽ được kiểm soát chặt chẽ khi canh tác theo hướng hữu cơ, xanh - sạch

Ông Chương cho biết thêm Đắk Nông đang triển khai phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2050. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về các loại cây trồng, vật nuôi, và công trình thủy lợi phù hợp với BÐKH.

Đến năm 2025, tỉnh Ðắk Nông đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Cụ thể, tỉnh sẽ từng bước chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, tập trung vào chất lượng và giá trị cao. Đến năm 2030, Đắk Nông sẽ phát triển nền nông nghiệp thông minh, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và thích ứng tốt với BÐKH./.

Kiến Giang