Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển và nhân rộng.
275073929-2022200737949823-2318872986536333305-n3-1667783903.jpg
Bộ NN-PTNT khuyến khích các địa phương, người dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Ảnh: An Lãng

Khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ

Bộ NN-PTNT cho biết, toàn ngành nông nghiệp đang khẩn trương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; Kế hoạch cơ cấu lại ngành, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua thực hiện, đã có nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; Bộ hướng dẫn người dân, địa phương khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và vật tư đầu vào; sử dụng những giống lúa thơm, chất lượng cao và chủ lực xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển, như: nhờ phát triển mạnh chăn nuôi lợn, gà đồi ăn chuối thành công, tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đã "thoát cửa tử" nhờ chính từ lĩnh vực nông nghiệp. Các tỉnh ĐBSCL đã quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, nhờ vậy hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.

Công tác quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%. Nhiều địa phương và chủ rừng đã quan tâm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; đến nay, đã có 380 nghìn ha được cấp chứng chỉ rừng tại 31 địa phương. Tiền thu dịch vụ môi trường rừng nhanh, đạt 82,4% kế hoạch năm.

Hiện tại, đã xây dựng 1.669 chuỗi cung cấp thực phẩm Nông lâm thủy sản (NLTS) an toàn với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, duy trì kiểm tra mẫu NLTS sau thu hoạch, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) thấp (từ 1,6 - 2,5%) với 99,5% cơ sở đáp ứng quy định ATTP; kiểm soát sản phẩm nhập khẩu… góp phần đảm bảo ATTP trong nước và xuất khẩu; củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.

Chúng ta đang có chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, tăng quy mô thành viên qua xu thế liên kết, sáp nhập các HTX; ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh…

Việt Nam hướng tới giá trị xanh

Phát biểu tại Hội nghị “Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44” theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, chúng ta vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, làm chuỗi cung ứng và lưu thông thương mại bị gián đoạn, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Giá lương thực tăng cao, làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng.

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, tại Việt Nam, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chiến lược này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

“Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của nông dân nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.