Là huyện ven biển, Hải Hậu có thế mạnh phát triển về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Toàn huyện đã hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã ven biển với tổng diện tích đạt 2.300 ha. Quy trình nuôi được áp dụng theo hướng VietGAP với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và thị trường ổn định.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung thực hiện theo hướng phát triển các “cánh đồng liên kết” với doanh nghiệp; chú trọng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa giống, cây dược liệu và cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Huyện đã xây dựng được 2 mô hình trồng cây dược liệu thực hành trồng và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới có quy mô 90 ha.
Điển hình như HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc đã gắn kết nông dân trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Nhờ tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, sản phẩm dây thìa canh của người dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ở Hải Hậu được chuyển mạnh sang trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAHP và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng các chế phẩm sinh học, giống kháng sâu bệnh, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo dược nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hóa chất xử lý môi trường nông nghiệp.
Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu cho biết, đến nay huyện đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hải Hậu xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực, gồm: Lúa chất lượng, cây dược liệu, cây ăn quả, lạc, rau các loại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Định hướng đến năm 2030, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% trên tổng sản phẩm chăn nuôi.
Để thực hiện mục tiêu trên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu Vũ Văn Triển thông tin, huyện đã lựa chọn xây dựng từ 4 - 8 mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 1 mô hình từ 1 ha trở lên, gồm: Sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao tại các xã Hải Hưng, Hải Phúc, Hải Thanh; sản xuất lạc đỏ hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long; sản xuất cây thìa canh hữu cơ tại xã Hải Lộc; sản xuất cây đinh lăng hữu cơ tại các xã Hải Quang, Hải Châu…
Sản xuất rau màu hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long và xã Hải Hòa; sản xuất ổi lê hữu cơ tại các xã Hải Tân, Hải Long; nuôi lợn sữa hữu cơ tại các xã Hải Sơn, Hải Đường; nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên như tôm sú tại xã Hải Chính, cá vược, cá mú tại xã Hải Triều, cá lóc bông tại xã Hải Hòa, thị trấn Thịnh Long.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho các đối tượng cây con chủ lực trên địa bàn huyện; tập huấn cho nông dân kiến thức và các tiêu chí để tiến hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho các mô hình duy trì sản xuất ổn định.
Phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ hàng năm; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xúc tiến thương mại...
“Thời gian tới, huyện Hải Hậu tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ; các nội dung, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nội dung và kết quả sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức, hiểu biết về quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đến 100% các hộ nông dân, chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp trong vùng sản xuất định hướng phát triển sản xuất theo hình thức hữu cơ và các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, ông Triển cho hay.