Theo đó, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời tạo môi trường sống trong lành cho người dân.
Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất VietGAP, hữu cơ và hữu cơ chuyển đổi đối với 1.950ha cây cam, 150 ha chè, 60 ha bưởi, 20ha lúa, 40ha rau.
Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi, huyện Hàm Yên xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Gia đình ông Đặng Đình Khuê, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành, nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng chú trọng đến những mặt hàng nông sản an toàn, năm 2017, gia đình ông đã quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất truyền thống sang trồng cam hữu cơ.
Qua 5 năm chuyển đổi, vườn cam hữu cơ hơn 2ha của gia đình ông Khuê có sản lượng ổn định tương đương với phương pháp truyền thống, cây cam khỏe, xanh tốt hơn, giá cam bán cao hơn gấp 2,5-3 lần so với cam trồng theo cách truyền thống, thị trường ổn định hơn.
Trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cho sức khỏe của những người làm vườn như ông được tốt hơn. Cam hữu cơ của gia đình ông hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, từ Hà Nội vào đến TP Hồ Chí Minh.
Vườn bưởi hữu cơ của chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX Rau quả hữu cơ Quang Mừng, xã Bình Xa có trên 1.000 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi hoàng và bưởi đào hường rộng gần 10ha.
Mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch trên 20 nghìn quả các loại. Bưởi hữu cơ khi thu hoạch có hình thức đẹp, quả to đều, được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá trung bình từ 15-40 nghìn đồng/quả.
Để trồng bưởi hữu cơ, trên toàn bộ diện tích đất trồng bưởi, chị ủ phân chuồng bón vào xung quanh gốc cây bưởi, tạo cho nền đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng và sử dụng thuốc thảo mộc tự chế từ gừng, tỏi, ớt để phòng, trừ sâu, bệnh.
Nhờ đó, cây bưởi cho quả đạt chất lượng, mang một hương vị riêng, tự nhiên vốn có, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX được nhiều khách hàng ở thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao như trong chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sử dụng. Thời gian tới, HTX đang tích cực đưa sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, phải kể đến bưởi hữu cơ của HTX Rau quả hữu cơ Quang Mừng, huyện Hàm Yên còn duy trì hiệu quả HTX Chè xanh Làng Bát; cam VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất Cam VietGAP xã Yên Lâm, Yên Thịnh (thị trấn Tân Yên), HTX Nông nghiệp sạch Minh Khương; táo VietGAP của HTX Táo Động Tiên, xã Yên Phú.
Cạnh đó, giúp huyện nâng cao diện tích nông nghiệp sạch, trong đó có hơn 870 ha cam được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 24,4 ha cam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam; 15,5 ha bưởi VietGAP, 10 ha bưởi hữu cơ; 29 ha chè VietGAP; gần 9,2 ha táo VietGAP.
Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đại diện lãnh đạo huyện Hàm Yên chia sẻ, chúng tôi tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ giúp đỡ người nông dân tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chăm sóc cây trồng, cải tạo đất; phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học nâng cao trình độ sản xuất cho bà con; có chiến lược quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.