Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu ngô và đậu tương

Việt Nam đã chi 2,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm để nhập khẩu 2 nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính là ngô, đậu tương.

Theo Cục Chăn nuôi, do sản lượng ngô và đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên suốt nhiều năm qua nước ta phải nhập khối lượng rất lớn 2 nguyên liệu này.

Cụ thể, khối lượng nhập khẩu ngô tháng 7/2022 đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 191,7 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu ngô đạt 5,1 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng nhưng không biến động nhiều về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá ngô nhập khẩu vẫn neo ở mức cao 300 - 380 USD/tấn.

Khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 7/2022 ước đạt 250.000 tấn với trị giá đạt 189,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD, tương đương về khối lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện, Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.

Cục Chăn nuôi cho rằng, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Nguồn cung giảm, giá cước vận chuyển tăng cao đã đội giá nguyên liệu và thành phẩm.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Mặt khác, Hoa Kỳ tăng sản xuất cồn sinh học từ ngô, các nước Nam Mỹ như Argentina, Brazil mất mùa vì hạn hán đã khiến lượng ngô xuất khẩu giảm mạnh, đẩy giá lên cao. Ngoài ra, thời gian gần đây một số nước có chính sách tạm dừng xuất khẩu lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng sẽ làm giảm nguồn cung và tăng giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm.

nhap-khau-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-1660710098.jpeg
Ảnh minh họa.

Từ tháng 7/2022 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhẹ. Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0.4%); dinh dưỡng gia súc 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).

Cục Chăn nuôi dự báo trong 5 tháng cuối năm, giá một số nguyên liệu chính của ngành thức ăn chăn nuôi có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi. Việc này cũng có thể kéo giá thức ăn chăn nuôi trong nước giảm theo.

Là quốc gia nông nghiệp nhưng hàng năm Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lý giải về điều này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.

Tổng cục Hải quan thông tin, suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ giảm trong 2 năm là 2017 và 2019, còn lại các năm khác trị giá nhập khẩu đều tăng.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 3 tỷ USD; năm 2014 là 3,25 tỷ USD; năm 2015 là 3,39 tỷ USD; năm 2016 là 3,44 tỷ USD. Đến năm 2017, trị giá nhập khẩu giảm 6,4% so với năm 2016, đạt hơn 3,22 tỷ USD.

Ngay sau đó năm 2018, trị giá nhập khẩu tăng mạnh 21,2% so với năm 2017, đạt hơn 3,91 tỷ USD. Năm 2019, trị giá nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 lên tới 3,84 tỷ USD; năm 2021 lên 4,93 tỷ USD.

Năng suất ngô bình quân ở nước ta mới chỉ đạt 4,8 - 5 tấn/ha; trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen, năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, năng suất ở Hoa Kỳ đạt tới 132 quả/cây, còn Việt Nam mỗi cây cho chưa tới 70 quả.

Về bài toán giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến cho hay, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng vẫn đang chỉ đạo phát triển xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.

Tăng tính tự chủ, giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng đặt ra bài toán làm sao tăng thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá, trong những năm qua, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi nói chung khá tốt. Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần có các chính sách về mặt bằng đất đai, tín dụng, các vấn đề về thị trường.

Phương Ly (t/h)