Tài chính xanh tạo lực đẩy phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh

Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh từ sớm. Đây là nền tảng để phát triển các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường tín dụng xanh. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng.
tai-chinh-xanh-02-1707957246.jpg
Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. (Ảnh minh họa)

Khởi động và thúc đẩy tài chính xanh

Tài chính xanh là một cấu phần quan trọng, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của một quốc gia. Bởi vậy, trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định.

Để thúc đẩy tài chính xanh phát triển, Việt Nam từng bước hoàn thiên khung pháp lý về tài chính xanh. Theo đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020.

Đến ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật gồm một số nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn của các bộ, ban, ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh..., qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Có thể kể ra một số văn bản quan trọng như: Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường...

tai-chinh-xanh-01-1707957232.jpg
Khung chính sách về tài chính xanh mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng phát triển tín dụng xanh có lợi cho môi trường.(Ảnh minh họa)

Trong những năm qua, nhờ chủ động triển khai, tài chính xanh tại Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực. Cụ thể, về tín dụng xanh, hệ thống ngân hàng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).

Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Đến nay, phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương, cụ thể, đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững...

Bên cạnh đó, thị trường bắt đầu có doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh. Tháng 8/2019, CTCP Điện mặt trời Trung Nam và CTCP Trung Nam đã huy động thành công số tiền là 3.045 tỷ đồng và sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Tháng 7/2022, CTCP Tài chính Điện lực đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh. Đây là lần đầu thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên Nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố từ năm 2018.

Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tín dụng xanh

Quá trình thúc đẩy tài chính xanh, quản trị xanh tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân được chỉ ra là do tăng trưởng xanh gắn với tài chính xanh còn khá mới mẻ đối với những người làm chính sách, các thành viên thị trường cũng như đối với các định chế tài chính như quỹ đầu tư, ngân hàng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định tiêu chí tín dụng xanh, làm căn cứ để các ngân hàng thương mại cho vay vốn xanh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. “Tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất, phải được lồng ghép và có chính sách liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh”, ông Thành nói.

Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

tai-chinh-xanh-03-1707957307.jpg
Tài chính xanh góp phần thúc đẩy phát triển các dự án xanh như nông nghiệp xanh.(Ảnh minh họa)

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội SHB cho biết, ngân hàng đã tham gia đầu tư vốn cho tài chính xanh từ nhiều năm nay.

“Trong giai đoạn vừa rồi, ngân hàng tăng trưởng rất mạnh về tín dụng xanh hiệu quả. Đến năm 2022 dư nợ cho tăng trưởng xanh khoảng 10.000 tỷ. Những khó khăn, thách thức là trong giai đoạn vừa rồi lãi suất khá cao, đa số đầu vào là ngắn hạn nhưng đầu tư cho tăng trưởng xanh là dài hạn, vì vậy ngân hàng phải cân đối nguồn vốn”, ông Dũng cho biết.

Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, các chuyên gia kinh tế đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng.

Hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.

Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc xanh hoá hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội. Điều này vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Thực hiện kết hợp các giải pháp phát triển tài chính xanh một cách đồng bộ, có hệ thống sẽ góp phần tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ./.

Trọng Bình