Ứng dụng công nghệ phát triển nông nghiệp xanh và bền vững ở huyện vùng cao

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao chất lượng nông sản, chủ động trong canh tác... đây là hướng đi được nhiều nông dân, hợp tác xã ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) triển khai. Những thành công bước đầu đã mở ra hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh vùng cao.
nong-nghiep-cong-nghe-cao-03-1708565769.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp nhà màng, nhà lưới đang phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương ở Lai Châu.(Ảnh minh họa)

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Qua đó, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giảm nghèo và xây dựng bức tranh vùng biên ngày một khởi sắc.

Huyện Tân Uyên xác định phát triển nông nghiệp bền vững có vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2020-2025; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các nghị quyết do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các nghị quyết, kế hoạch của huyện đến cán bộ, đảng viên, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện tổ chức nhiều hội nghị kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

nong-nghiep-cong-nghe-cao-01-1708565754.jpg
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ UBND huyện Tân Uyên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển nông nghiệp, đến nay, Tân Uyên đã hình thành các vùng sản xuất lúa đặc sản, chè, rau, cây ăn quả, cây mắc ca, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi... theo hướng hàng hóa tập trung; kêu gọi, thu hút được trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhân dân thực hiện sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản.

Mặt khác, huyện còn hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống lúa đặc sản địa phương với trên 800 ha diện tích; mở rộng trồng mới trên 212 ha chè, nâng diện tích chè trên địa bàn huyện lên 3.338 ha, sản lượng trên 27.000 tấn; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển vùng cây ăn quả tập trung với diện tích 396 ha; hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung với diện tích 67,5 ha; có 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung; toàn huyện có 4.560 đàn ong, sản lượng đạt trên 21.000 lít mật.

Những thành quả từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Dù có điều kiện thuận lợi về địa hình đất đai bằng phẳng, nhưng giá trị kinh tế của các loại cây trồng sản xuất theo phương thức cũ mạng lại hiệu quả kinh tế không cao. Để người nông dân làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ vừa qua cấp ủy, chính quyền huyện Tân Uyên đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó địa phương lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới là hướng chủ đạo, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Văn, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, cho biết: báo cáo của cơ quan quản lý cũng như các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn cho thấy hiệu quả rõ rệt so với loại hình sản xuất truyền thống. Ưu điểm của nhà màng, nhà lưới là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường.

Người sản xuất dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học, nên cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên, ở khu phố 1, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao. Từ diện tích hơn 4.000m2 đất dốc bạc màu sản xuất kém hiệu quả, năm 2021 gia đình anh đã đầu tư nhà màng và chuyển đổi sang trồng dưa lưới. Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, mỗi năm cho thu nhập sau chi phí khoảng 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

nong-nghiep-cong-nghe-cao-02-1708565826.jpg
Sản phẩm dưa vàng và nhiều sản phẩm sản xuất từ nhà màng, nhà lưới tại Tân Uyên (Lai Châu) đã có mặt ở hệ thống siêu thị trong nước.(Ảnh minh họa)

Anh Tuyên chia sẻ: "Gia đình tôi đã thực hiện trồng các sản phẩm nông nghiệp trong hệ thống nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm chủ lực của gia đình vẫn là canh tác các loại dưa như: dưa lưới vàng, dưa lê và hiện tại chúng tôi cũng đã thử nghiệm trồng một số giống dưa mới và được thị hiếu người tiêu dùng đón nhận. Hiệu quả kinh tế của việc canh tác trong nhà lưới, nhà màng so với hiệu quả trên diện tích đất canh tác tăng gấp nhiều lần so với hình thức canh tác truyền thống".

Cũng như gia đình anh Tuyên, từ hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà lưới, nhà màng, đến nay nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Tân Uyên đã chuyển sang áp dụng mô hình này. Các mô hình đều mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với loại hình sản xuất nồng nghiệp truyền thống và các sản phẩm đều được thị trường đón nhận.

Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo mô hình nhà lưới, nhà màng như: Cà chua baby, cà chua socola, dưa lưới, dưa lê, ớt chuông, trong đó sản phẩm dưa lưới vàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Đến nay nhiều loại quả đã có mặt tại hệ thống siêu thị trong cả nước, được thị trường, người tiêu dùng đón nhận và mang lại việc làm cũng như thu nhập cao cho người nông dân. Đây là tiền đề để huyện Tân Uyên, cũng như nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, để tạo ra các sản phẩm nông nghiêp đặc trưng của địa phương./.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 526 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích đất tự nhiên; đất sản xuất nông nghiệp trên 111 nghìn ha, chiếm 12,25% diện tích đất tự nhiên. Là địa phương có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc sản, chất lượng như cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, rau, hoa, củ quả các loại… Trên cơ sở đó, Lai Châu xác định phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; triển khai mạnh hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vào lĩnh vực nông nghiệp.

Giai đoạn từ nay tới 2025, Lai Châu tiếp tục có nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh thành lập các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để các thành viên hỗ trợ nhau về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng phát triển. Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh.

Bình Châu