Xã Thạch Văn và xã Yên Hòa là xã ven biển của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình chủ yếu là đất cát ven biển bạc màu. Trước đây, nhiều diện tích đất cát tại đây chủ yếu bỏ hoang vì chưa tìm được loại cây trồng nào phù hợp. Năm 2014 từ chủ trương của tỉnh, huyện Thạch Hà triển khai dự án sản xuất rau, củ quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất theo hướng hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, luân canh gối vụ mở rộng diện tích sản xuất rau củ quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những ngày này, người trồng rau củ tại xã Thạch Văn của huyện Thạch Hà và xã Yên Hòa của huyện Cẩm Xuyên đang tập trung thu hoạch lứa củ cải trắng đầu tiên của vụ đông năm nay.
Theo đánh giá của người dân, so với trồng độc canh như trước kia, phương thức trồng xen và gối vụ như hiện nay mang lại hiệu quả rõ rệt. Cách làm này không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có tác dụng cải tạo đất. Cụ thể, khoảng 3 năm trở lại đây, thấy cây cà rốt rất phù hợp với vùng cát, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đưa vào trồng gối vụ sau khi thu hoạch lứa củ cải, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Chị Phan Thị Đào (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) cho biết: Gia đình tôi làm 7 sào rau củ quả trên đất cát, mỗi vụ riêng củ cải trắng cho sản lượng 700 kg, với giá bán 8.000 đ - 12.000 đ/kg, tôi thu về hơn 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có lãi khoảng 5 triệu đồng/sào. Ngoài ra, tôi còn có thu nhập từ cây cà rốt 4 triệu đồng/sào. tính ra, một ha nếu trồng gối vụ cho thu nhập gần 180 triệu đồng.
Giữa nền cát trắng bạc màu, nhờ xen canh gối vụ hợp lý nên củ cải, cà rốt, bù sáp chen nhau vươn lên xanh tốt, không còn chỗ đất trống. Mang lại thu nhập và phát huy hết hiệu quả quỹ đất.
Bà Nguyễn Thị Thơ (xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: Trồng rau củ quả ở đây chủ yếu trên đất cát bạc màu, nên việc cải tạo đất bằng phân chuồng hoai mục được gia đình tôi và các hộ áp dụng thường xuyên. Ban đầu, chúng tôi chỉ trồng mỗi vụ một loại cây trồng, nên sản lượng thu cả vụ cũng không cao. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, như tưới nước tự động nên thời vụ kéo dài và trồng luân canh gối vụ, có hộ thu hoạch xong củ cải rồi tiếp tục trồng cà rốt, có hộ lại trồng bù sáp nên sản lượng tăng, thu nhập cũng tăng hơn. Nếu thuận lợi mỗi vụ mỗi sào cho lãi gần 10 triệu đồng.
Theo thống kê, vụ Đông năm nay, xã Thạch Văn sản xuất gần 140 ha rau màu các loại. Trong đó, vùng sản xuất rau củ quả tập trung được mở rộng sản xuất 13,5 ha. Với hình thức thâm canh đa dạng các loại rau như: củ cải, cải bẹ, bí sáp, bí ngọt, cà chua, cà rốt và các loại cây gia vị. Hiện toàn xã có 2 HTX và 3 tổ hợp tác với hơn 30 hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn, cho thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/hộ/năm.
Bà Phan Thị Bảy - Chủ nhiệm HTX rau củ quả Hằng Bảy chia sẻ: Vùng trồng rau củ quả tập trung với 13,5 ha chủ yếu trồng rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP nên được thị trường ưu chuộng. Vụ đông năm nay, người dân ở đây chủ yếu trồng củ cải, cà rốt, khoai lang. Các giống rau củ được sản xuất theo hình thức gối vụ để xuất bán thường xuyên và kéo dài thời gian cung ứng, đặc biệt là thị trường tết, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết thêm: Tính đến thời điểm này, mô hình trồng xen gối vụ trên đất cát bạc màu đem lại hiệu quả khá cao và được người dân áp dụng khá thành công, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích (cho thu nhập bình quân 180 - 200 triệu đồng/ha).
Cũng nhờ cách làm này đã tạo động lực cũng như giúp người dân hăng say phát triển sản xuất thâm canh cây rau màu, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho một bộ phận lớn lao động nông thôn với thu nhập ổn định. Trồng xen canh các loại cây khác nhau trên một đơn vị diện tích cũng có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất cây trồng hàng năm.
Với những kết quả đạt được, mô hình trồng xen canh gối vụ rau củ, quả trên cát vừa mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân ven biển Hà Tĩnh, vừa được xem là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển sản xuất./.