Diện tích rừng của Việt Nam có khả năng lưu giữ và hấp thụ carbon rất lớn
Ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình từ 50 đến 70 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, với tổng diện tích rừng hơn 14,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 42,02%, rừng cả nước có thể tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nếu xuất khẩu thành công, mang lại giá trị rất lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Phạm Hồng Lượng, cùng với hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được coi trọng và đẩy mạnh, tiềm năng về chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam đang được thế giới đánh giá rất cao và mong muốn chia sẻ, lan tỏa đến các nước có rừng khác trên toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai thành công chương trình chuyển nhượng kết quả tín chỉ carbon rừng, theo “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA)” được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF với tổng số tiền là 51,5 triệu USD (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2.
Ông Phạm Hồng Lượng cũng cho biết: Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 42,02%, tương ứng với tổng diện tích 14,8 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 10,1 triệu ha. Đây là diện tích có khả năng lưu giữ và hấp thụ carbon rất lớn.
Theo tính toán của các nhà khoa học, tổng lượng carbon mà Việt Nam có thể trao đổi thương mại, sau khi thực hiện các nghĩa vụ đóng góp quốc gia, dự kiến đạt hơn 165.000 tấn carbon từ nay đến năm 2030.
Hiện nay, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ tập trung vào 6 tỉnh gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là 6 tỉnh đầu tiên mà Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo Cục Lâm nghiệp triển khai thí điểm theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ bao gồm 11 tỉnh, được kỳ vọng sẽ hoàn thành đàm phán và chuyển nhượng tín chỉ carbon lần thứ hai vào năm 2025.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ thực hiện việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Tiềm năng tín chỉ carbon rừng chưa khai thác của Việt Nam còn rất lớn.
Tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam
Để các địa phương chủ động trong xây dựng, triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, mới đây, Cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố. Trong đó nêu rõ, thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Cục đã cung cấp thông tin để Sở NN&PTNT các tỉnh tham khảo và cùng quan tâm hợp tác, triển khai đối với loại dịch vụ này. Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới như xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon trong nước…
Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) theo hạn ngạch được phân bổ. Do đó, các địa phương phải chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp tại Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng…
Ông Phạm Hồng Lượng cũng cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng để thực hiện việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hay đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng là phải thể hiện được nỗ lực gia tăng. Điều này có nghĩa là trong điều kiện tự nhiên bình thường, nếu không có bất kỳ tác động nào, khả năng lưu giữ và hấp thụ carbon của rừng sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, khi có thêm các nỗ lực và nguồn lực đầu tư để phát triển rừng tốt hơn, quản lý rừng bền vững hơn, thì chính phần gia tăng lượng hấp thụ carbon này sẽ được các tổ chức thẩm định và công nhận, và chỉ khi đó mới được coi là tín chỉ carbon. Điều này nhấn mạnh rằng không thể hiểu một cách đơn giản rằng cứ có rừng là sẽ có tín chỉ carbon. Thay vào đó, các nỗ lực bổ sung để gia tăng hiệu quả quản lý và phát triển rừng là điều kiện cần thiết.
Ngoài ra, để có thể tiến hành trao đổi tín chỉ carbon, các chủ rừng phải lập dự án đầu tư tín chỉ carbon rừng. Đây là điều kiện tiên quyết để các chủ rừng có thể thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình chuyển nhượng hoặc kinh doanh tín chỉ carbon.
Theo ông Lượng, Luật Lâm nghiệp và Luật Bảo vệ Môi trường hiện nay là những bộ luật khung quan trọng, đưa ra các quy định cơ bản về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần có các Nghị định quy định chi tiết hơn, bao gồm những vấn đề quan trọng như: Quyền sở hữu carbon, các tiêu chuẩn áp dụng cho carbon, quy định về các tổ chức chứng nhận và thẩm định kết quả giảm phát thải.
Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng về quy trình đăng ký và xây dựng dự án, tổ chức thực hiện dự án tín chỉ carbon rừng, cũng như các quy trình giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Những quy định này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc triển khai hoạt động tín chỉ carbon rừng.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các quy định này, trên cơ sở thí điểm tại vùng Bắc Trung bộ. Sau khi tổng kết và đánh giá kết quả, các Nghị định sẽ được điều chỉnh và xây dựng chi tiết hơn, giúp tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam./.