Hà Nội đã công bố 20 sản phẩm du lịch đêm độc đáo
Hoạt động du lịch đêm xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội từ khá sớm, nhất là vào các ngày cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Nhiều hoạt động đêm tại các không gian, tuyến phố đi bộ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội.
Sau không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai thí điểm từ tháng 9/2016, đến nay, Hà Nội có thêm 4 tuyến phố đi bộ là: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng.
Thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, đến nay Hà Nội đã công bố 20 sản phẩm du lịch đêm độc đáo. Hiện, sản phẩm du lịch đêm hầu hết tập trung ở các quận nội thành.
Sở Du lịch Hà Nội đang tiếp tục thúc đẩy mở rộng xây dựng mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại các huyện ngoại thành. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở sẽ đề xuất kế hoạch để triển khai trên toàn thành phố, phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng các sản phẩm nghệ thuật; triển khai các sản phẩm tham quan làng nghề…
“Để có thể phát triển kinh tế thì chúng ta phải có lộ trình dần. Chúng tôi đã rà soát lại các địa điểm hiện nay đang tổ chức các tuyến phố đi bộ, cũng như những khu vực có dịch vụ có thể phát triển lên được và sắp xếp lại trên cơ sở hiện có chúng ta làm cho nó bài bản hơn để phát triển kinh tế du lịch đêm” - bà Đặng Hương Giang nói.
Kinh tế đêm với lợi thế là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền, kinh tế đêm nếu càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách.
Các sản phẩm du lịch đêm mới đưa vào khai thác ở Hà Nội đã mang đến tín hiệu vui cho du lịch Thủ đô khi có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu bình quân trên đầu người của du khách. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có một quy chế thống nhất để tổ chức, thu hút và giữ chân du khách vui chơi về đêm.
Khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm từ những sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm ở Hà Nội, từ đó mới khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác như vấn đề an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu. Cùng với đó là các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa...
Vì vậy ông Thắng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Từ đó, Hà Nội có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực về đêm, du lịch mua sắm. Hiện tại, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là Phố cổ Hà Nội. Tại đây, có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực để hấp dẫn khách.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm một cách bài bản và nên thiết kế, xây dựng những sản phẩm du lịch về đêm phù hợp với từng thành phố.
“Chúng ta có thể tận dụng ngay các cơ sở lịch sử văn hóa để phát triển kinh tế ban đêm một cách rất tốt, đồng thời mang tính đặc sắc của từng địa điểm là từng địa phương phát triển kinh tế đêm. Về cơ sở vật chất trước hết là về quy hoạch vùng hoạt động kinh tế ban đêm có thể tách biệt hoặc ảnh hưởng ít nhất đến các khu dân cư, thì đây là vấn đề cũng phải quy hoạch” - chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội khẳng định, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trong kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế đêm tại một số quận, huyện, thị xã; trên cơ sở đó, lựa chọn, xây dựng sản phẩm du lịch đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn. Hà Nội sẽ tập trung vào những tài nguyên mà có thể khai thác ngay được như hoạt động của các di tích, các loại hình nghệ thuật, ẩm thực.
Sở Du lịch Hà Nội đang đề xuất kế hoạch để triển khai trên toàn thành phố. Sở Du lịch cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao xây dựng các sản phẩm nghệ thuật; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các sản phẩm tham quan làng nghề, vì hoạt động tham quan làng nghề mới chỉ diễn ra vào ban ngày./.