Quảng cáo #128

Xuất khẩu vào thị trường Halal kỳ vọng tạo bước đột phá mới cho thủy sản Việt Nam

Thời gian qua, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt là sản phẩm thủy sản. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt những cột mốc kỷ lục mới nếu như đa dạng hóa thị trường, tận dụng thời cơ để xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này.
xuat-khau-thuy-san-2-1734223010.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông thủy sản chế biến.(Ảnh minh họa)

Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho xuất khẩu lương thực thực phẩm

Theo ước tính, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm lớn; trong đó, có Việt Nam. Halal là thuật ngữ trong đạo Hồi chỉ những sản phẩm hoặc dịch vụ được phép sử dụng theo quy định của luật Hồi giáo, và chứng nhận Halal đảm bảo rằng sản phẩm đã tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Thời gian qua, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt là sản phẩm thủy sản.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu, một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe.

xuat-khau-thuy-san-1-1734223057.jpg
Cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Halal nếu như đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.(Ảnh minh họa)

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt những cột mốc kỷ lục mới nếu như đa dạng hóa thị trường, tận dụng thời cơ để xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, nhất là các các quốc gia Hồi giáo đang có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt khi các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa các khu vực này và Việt Nam.

Với năng lực sản xuất và xuất khẩu hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chí của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp thực hiện tốt và mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong những năm qua, ngành nông, lâm, thuỷ sản đã thành công trong việc thâm nhập nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và thị trường gần nhất là Trung Quốc. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam có những tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm qua. Dự báo trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là 62 tỷ USD, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 15%. Đây đều là sự nỗ lực của cả hệ thống nông nghiệp.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Qua đó, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn.

Chìa khóa mở thêm cánh cửa cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới, còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là chìa khóa mở thêm cánh cửa cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông, thủy sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Halal nếu như đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông thủy sản chế biến. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Tuy nhiên, thách thức đối với doanh nghiệp là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Bà Nguyễn Minh Phương cũng cho biết, đối với nhóm sản phẩm thủy sản và thủy sản chế biến, nhu cầu của các nước Hồi giáo là rất lớn, đặc biệt với các nước tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phải phụ thuộc chính vào nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam và dư địa có thể tăng gấp nhiều lần nếu được tập trung phát triển.

“Khi chúng ta tiếp cận được thị trường rộng lớn này thì chúng ta cũng sẽ thấy là chúng ta đã nâng cao uy tín để sản xuất ra các sản phẩm không chỉ là sang các thị trường thông thường, những thị trường truyền thống mà chúng ta còn sang được các thị trường khu vực Trung Đông.

xuat-khau-thuy-san-3-1734223088.jpg
Tiêu chuẩn Halal rất cao, từ quy trình chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất cho tới quy trình đầu ra đều phải đảm bảo. (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn Halal rất cao, từ quy trình chúng ta chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất cho tới quy trình đầu ra chúng ta đều phải đảm bảo. Khi những sản phẩm đã vào được thị trường của các nước đạo Hồi thì lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sẽ cao hơn và đương nhiên là chúng ta sẽ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm” - bà Nguyễn Minh Phương nói.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, đa số các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam đều có cơ hội thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Cụ thể, các sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào bị cấm theo luật Hồi giáo. Thêm vào đó, trong suốt các khâu sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép. Đồng thời trong suốt quá trình sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp quan tâm khắc phục.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng đang hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của thị trường Halal, để có thể đưa sản phẩm thuỷ sản vào các thị trường này. Tuy nhiên, thị trường Halal cũng giống như các thị trường khác ở chỗ, mỗi quốc gia có 1 yêu cầu riêng nào đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thì phải hoàn tất thủ tục các tiêu chí nhỏ này nữa./.

Bình Nguyên