Quảng cáo #128

Rét đậm đến sớm, những diễn biến thời tiết phức tạp - nguy cơ ảnh hưởng tới nông nghiệp miền Bắc

Mùa Đông năm nay đến sớm hơn mọi năm, rét đậm, rét hại kéo dài trên nhiều vùng miền, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 2/2025. Diễn biến bất thường của thời tiết đã bắt gây ra những tác động ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Những diễn biến của thời tiết trong thời gian tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong ba tháng đầu năm 2025, ít khả năng có bão hoặc áp thấp nhiệt hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dự báo trên, gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (như dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá) xảy ra cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 10/1/2025, nguy cơ rét đậm, rét hại kèm theo sương muối và băng giá sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân.

jpg-1-1734238972.jpg
Các địa phương cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc (Ảnh minh hoạ)

Dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại trong khoảng thời gian từ tháng 1-2/2025. Sang tháng 3/2025, hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ trung bình nhiều năm. Các địa phương cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc," ông Lâm lưu ý.

Về xu thế mưa, dự báo tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 1-2/2025, phổ biến từ 20-40mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ); tháng 3/2025 phổ biến 50-80mm (lớn hơn 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng kỳ).

Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 1/2025, phổ biến từ 20-50mm, riêng tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh có nơi trên 100mm (ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm). Khu vực Trung và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng này phổ biến 50-160mm (ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm).

Từ tháng 2/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 20-50mm, riêng Hà Tĩnh có nơi trên 100mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm); khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến 30-60mm, có nơi cao hơn (cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15mm), riêng các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận ít mưa, phổ biến 5-15mm.

Tháng 3/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 30-60mm; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến 40-70mm, có nơi cao hơn trung bình nhiều năm 15-30mm; riêng các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận ít mưa, phổ biến dưới 10mm.

Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 1-3/2025 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ (cao hơn trung bình nhiều năm 5-15mm).

Cụ thể, từ tháng 1-2/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên phổ biến 10-20mm, có nơi trên 30mm; ở khu vực Nam Bộ từ 15-30mm (cao hơn trung bình nhiều năm 5-15mm). Tháng 3/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 20-50mm; khu vực Nam Bộ phổ biến 15-30mm, có nơi cao hơn.

Rét đậm kéo dài tác động xấu đến cây trồng và vật nuôi

Theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ giảm sâu, thậm chí dưới 10°C trong những ngày đầu tháng 12, là hiện tượng hiếm gặp trong những năm gần đây. Cái rét khắc nghiệt không chỉ làm giảm nhiệt độ môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Còn theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 1-2/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá tại khu vực vùng núi phía Bắc.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2025, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xảy ra, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở trên phạm vi toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Lan, một nông dân trồng rau ở huyện Mê Linh (Hà Nội) chia sẻ: "Mới đầu mùa mà trời đã lạnh như thế này, chúng tôi lo lắng lắm. Rau dễ bị cháy lá, mất mùa, mà nếu tình trạng rét đậm rét hại kéo dài”.

mg-5748-1734239113.jpg
Vườn rau bắp cải sắp cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán của bà con nhân dân.

Một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những cây trồng mùa đông như rau màu, hoa màu, đặc biệt là các loại cây dễ bị tổn thương bởi sương muối và rét đậm như ngô, lúa mạch, khoai tây… Các vùng trồng lúa ở miền Bắc, vốn đã quen với thời tiết lạnh, nhưng năm nay cũng phải đối mặt với tình trạng sương muối quá sớm sẽ cớ nguy cơ khiến cây lúa bị chết, giảm năng suất.

Ngoài cây trồng, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Những ngày rét đậm, nhiệt độ xuống thấp khiến đàn gia súc, gia cầm dễ bị mắc bệnh, nhất là đối với các giống vật nuôi chưa thích nghi được với sự thay đổi thời tiết đột ngột.

Bên cạnh đó, những khu vực ở vùng núi cao có nguy cơ sương muối và băng giá rất cao vì vậy các hộ dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi. Cây trồng được che chắn bằng nilon, lưới chống rét hoặc phun thuốc kích thích cây ra rễ nhanh để hạn chế tác động của giá rét. Còn đối với gia súc, gia cầm, các chủ trại đã tăng cường độ ấm cho chuồng trại, đồng thời bổ sung thức ăn dinh dưỡng giúp vật nuôi giữ ấm và tăng sức đề kháng.

jpg1-1734239366.jpg
Người dân cần có những biện pháp bảo vệ tài sản của gia đình.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại từ các đợt rét đậm, rét hại, nông dân cần chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết, đồng thời cải tiến các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu lạnh tốt hơn.

Thời tiết năm nay diễn biến cực đoan, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại không chỉ giúp bảo vệ mùa màng, gia súc, gia cầm mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho nông dân trong việc duy trì sinh kế. Các biện pháp lâu dài như thay đổi giống cây trồng, vật nuôi và tăng cường dự báo thời tiết có thể sẽ là chìa khóa để bảo vệ nền nông nghiệp trong bối cảnh khí hậu thay đổi ngày càng phức tạp như hiện nay./.

Xuân Hiếu