Quảng cáo #128

Xây dựng thương hiệu cam và mía tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế ở Cao Phong

Từ lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế từ việc tạo đà cho các loại cây trồng có thế mạnh như cam và mía. Phát triển thương hiệu cam và mía huyện Cao Phong đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
tt1-1733907716.jpg
Những quả cam Cao Phong chín mọng được trưng bày tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 8 - (Ảnh : Huy Tuân)

Cam Cao Phong thay đổi diện mạo núi rừng Tây Bắc

Cam đã được trồng ở Cao Phong hơn nửa thế kỷ, với khí hậu mát mẻ và đất đai màu mỡ nên cam Cao Phong ngon, ngọt mọng nước, quả cam có màu vàng óng. Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng cam Cao Phong phủ kín những ngọn đồi.

Ở xã Bắc Phong một trong những xã có diện tích trồng cam lớn nhất ở huyện Cao Phong. Diện mạo và đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi nhanh chóng từ khi phát triển cây cam. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều, con đường bê tông chạy từ đường quốc lộ vào đến tận vườn, các phương tiện ra vào nhộn nhịp, rất nhiều hộ gia đình đã mua ô tô và các đồ vật có giá trị phục vụ sinh hoạt.

c2-1733906838.jpg
Cam Cao Phong  mùa thu hoạch. ( Ảnh: Huy Tuân)

Ông Khương Xuân Lịch - Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: "Hiện nay với diện tích đất trồng cam của xã khoảng 250 ha, cây cam đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân trên toàn xã, đời sống được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Địa phương tiếp tục động viên, khuyến  khích bà con nhân dân chăm sóc các vườn cam đảm bảo theo quy chuẩn VietGAP giữ vững được thương hiệu cam Cao Phong trên thị trường”.

ct-1733907954.jpg
Ông Khương Xuân Lịch, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Phong tại gian hàng xã Bắc Phong  trong Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 8. ( Ảnh: Huy Tuân)

Ở Bắc Phong rất nhiều hộ dân trồng cam và làm giàu từ giống cây này. Hộ ít thì vài nghìn mét vuông, hộ nhiều thì cả chục hecta. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Trường tại xóm Dệ, xã Bắc Phong, khu vườn của gia đình ông Trường  đến ngày thu hoạch trải dài trên quả đồi sau nhà, những quả cam chín trĩu cây, chín vàng…

Ông Trường cho biết: "Gia đình bắt đầu trồng cam cách đây mấy chục năm, lúc đầu chỉ vài nghìn mét vuông. Hiện nay diện tích vườn cam lên hơn 1ha và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ ngày đưa cây cam vào trồng thì đời sống của gia đình ổn định, thu nhập cao hơn. Gia đình đã mua được ô tô và các đồ dùng tiện nghi có giá trị trong gia đình. So với thu nhập từ các cây khác thì cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất".

Mía Cao Phong góp phần thay đổi diện mạo một miền quê trù phú giàu bản sắc

Cùng với trồng xen canh với cây cam, những năm gần đây, nhiều nông dân Cao Phong đã mạnh dạn chuyển đổi, bổ xung trồng các loại cây nông nghiệp ngoài cam như cây mía. Hiện nay cây mía đã mang lại hiệu quả và thu nhập cao về kinh tế cho bà con nơi đây.

mia-1733908353.jpg
Nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, làm giàu từ cây mía. ( Ảnh Huy Tuân)

Theo báo cáo, toàn huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình có 2.398,2 ha diện tích trồng mía đạt năng suất cao. Mía được trồng tập trung ở Nam Phong và Tây Phong.

Sản phẩm mía nơi đây không chỉ thơm ngon, có hương vị thơm ngọt khác biệt, gióng dài, mềm và ngọt lịm, mà cây mía còn góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của huyện vùng cao, nơi núi rừng Tây Bắc. Từ việc trồng mía, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nam Phong đã xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Không những vậy, cây mía trở thành một trong những cây trồng chủ lực, trong phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng như là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của bà con nông dân Nam Phong.

Ông Đinh Đức Chính - Chủ tich UBND xã Nam Phong chia sẻ: Cây mía là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con nông dân xã Nam Phong. Hiện nay chính quyền địa phương tích cực vận động, khuyến khích bà con nhân dân trong xã tập trung đẩy mạnh trồng và chăm sóc cây mía theo đúng quy chuẩn, khẳng định chất lượng cây mía trên thị trường trong nước cũng như mong muốn trong tương lai cây mía, sản phẩm chủ lực của Nam Phong sẽ vươn xa, được xuất khẩu sang các nước bạn sánh vai cùng thương hiệu cam Cao Phong nức danh của tỉnh nhà”.

n1-1733908887.jpg
Gian hàng xã Nam Phong  tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 8 - ( Ảnh: Huy Tuân)

Với diện tích đất nông nghiệp lớn, khí hậu khá thích hợp cho nhiều loại nông sản, huyện Cao Phong đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới là sản xuất nông sản chất lượng cao và làm du lịch, dịch vụ. Thực tế, trong thời gian qua, cây cam, cây mía mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác và được xác định là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giúp người dân yên tâm gắn bó với nông nghiệp. Vừa qua, huyện cũng đã xuất khẩu 7 tấn cam ra thị trường Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, huyện đã nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh.

cam-cp-1733908494.jpg
Vừa qua, huyện Cao Phong cũng đã xuất khẩu 7 tấn cam ra thị trường Vương quốc Anh. (Ảnh: Huy Tuân)

Nhờ đó, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đời sống của người nghèo cũng như người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao, tăng thu nhập bình quân đầu người.

Các trường học cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, đảm bảo không gian sạch đẹp, hiện đại đảm bảo không gian sạch đẹp, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Trong năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 463/463 phòng học kiên cố, đảm bảo tỷ lệ 1 lớp/phòng học; 108 phòng bộ môn; 320 phòng chức năng; 7 trường có nhà đa năng và các công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo theo quy định.

Huyện đã hoàn thành xây dựng mới 2 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao tiêu chuẩn cho 26/28 trường, đạt 92,9% về kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia. Trong năm 2023, huyện đã chi 185 tỷ đồng cho sự nghiệp GD&ĐT, chiếm 38,8% tổng chi ngân sách địa phương, trong đó, 31 tỷ đồng dành riêng cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục.

Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện quan tâm bố trí vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số dự án giao thông trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông trong huyện. Như triển khai công trình cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Cao Phong đến trung tâm xã Bắc Phong (giai đoạn 3) cùng hệ thống chiếu sáng trung tâm xã Bắc Phong. Chỉ đạo các xã, thị trấn tận dụng vật liệu tại chỗ sửa chữa đường, phát quang tầm nhìn hai bên đường phục vụ phát triển kinh tế, du lịch.

Làm tốt công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch, quan tâm thực hiện các dự án đầu tư, các dự án trọng điểm; quan tâm, đầu tư cho công tác giáo dục; chú trọng đến công tác an sinh-xã hội, văn hóa, tinh thần người dân ngày càng tiến bộ, an ninh, chính trị được giữ vững ổn định. Tập trung cho sản xuất nông nghiệp, phát triển thương hiệu cam và mía đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình./.

Kim Chung