Sáng 15/12, tại Làng truyền thống dân tộc K’Ho, thôn Klong Trao 1 (xã Gung Ré, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ Mừng lúa mới của dân tộc K'ho S'Rê.
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng, được phục dựng để khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc bản địa của địa phương này. Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024, kéo dài từ ngày 5/12 đến 31/12 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngay từ sáng sớm, trong thời tiết mưa khá nặng hạt, hàng trăm người dân địa phương và du khách đã có mặt tại Mô hình du lịch cộng đồng thôn Klong Trao 1 (Mô hình cũng khai trương cùng ngày). Bà con đồng bào dân tộc K’Ho xúng xính trong trang phục dân tộc truyền thống, cùng tham gia vào một lễ hội truyền thống quan trọng của dân tộc mình trong tiếng cồng chiêng rộn rã.
Tham dự buổi lễ, ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta hiện nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời thông qua các hoạt động bảo tồn gắn với phát triển du lịch cũng đem lại kết quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh.
Tại khu vực diễn ra Lễ Mừng lúa mới, một cây nêu được dựng lên ngay khu vực trung tâm, dưới chân cây nêu là mâm lễ vật với ché rượu cần. Ngay gần đó là một con trâu được buộc dành cho Lễ đâm trâu, cùng một mâm lễ vật. Bắt đầu phần lễ, già làng đứng tại gốc cây nêu trung tâm, thổi ba hồi tù và thành kính khấn Yàng, xin thần linh cho buôn làng tổ chức lễ hội.
Lời khấn có đoạn: “Ơi Yàng!... Hỡi lũ làng, sau một năm vất vả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận gió hòa, cho cái nương cái rẫy tươi tốt…”
Sau lời khấn, từ hai phía, đội hình Chiêng và múa Xoang gồm hàng chục người gồm nam nữ, già trẻ trong trang phục dân tộc K’Ho vừa đi vừa múa theo hình vòng tròn xung quanh cây nêu. Trong khi đó già làng cùng những người giúp việc hiến sinh một con gà trống; sau đó dùng tiết gà bôi lên cây nêu, lên mặt chiêng và lên trán của các thành viên cầu sự may mắn, sức khỏe đến với mọi người trong buôn làng.
Tiếp đó, lễ hội thực hiện nghi thức đâm trâu (múa mô phỏng) thể hiện cách thức ăn trâu truyền thống từ xa xưa của dân tộc và già làng làm thủ tục khai Ché, rót rượu dâng lên Yàng và các thần linh, rồi mời rượu, đeo vòng cườm, coòng đồng cho quan khách và các thành viên.
Đội hình cồng chiêng, múa xoang múa và di chuyển hình tròn xung quanh cây nêu. Phần hội bắt đầu với các tiết mục múa hát của đồng bào dân tộc K’Ho như múa hát “Xuống núi,” “Hòi Yàng Kòi,” “Òi Mi - Tình anh em,” “Bản giao hưởng Tây Nguyên”... do đội văn nghệ của các thôn người đồng bào dân tộc K’Ho của xã Gung Ré biểu diễn...
Lễ hội Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Giàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả công sức lao động...
Lễ hội Mừng lúa mới là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây./.
Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 khai mạc vào tối 5/12, tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”.
Festival hoa Đà Lạt năm 2024 diễn ra từ ngày 5/12 đến hết tháng 12/2024 với 10 chương trình chính gồm: Chương trình khai mạc; những không gian hoa; hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”; trưng bày, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Festival hoa Đà Lạt; chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Thành phố hương trà sắc tơ”; phiên chợ rau, hoa; phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt; carnaval đường phố “Hoa và di sản”; giao lưu nghệ thuật quốc tế Đà Lạt - ChunCheon (Hàn Quốc); chương trình nghệ thuật chào năm mới kết hợp bế mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ X.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Festival Hoa không chỉ là cầu nối mà còn là điểm đến đầy lưu luyến, nghĩa tình, thủy chung cho tất cả những ai yêu hoa, yêu nghệ thuật, yêu mến vùng đất và con người Đà Lạt - Lâm Đồng.