Ngày 15/12, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ giao ngành chuyên môn biểu dương, khen thưởng cho đoàn nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông vì đạt thành tích cao tại Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ 2 năm 2024 (gọi tắt là tuần văn hóa).
Theo đó, Tuần văn hóa là sự kiện quan trọng do tỉnh Kon Tum tổ chức, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14/12. Xác định đây là sự kiện quan trọng trong việc bảo tồn văn hoá đồng bào các dân tộc và thúc đẩy phát triển du lịch Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông đã tham gia tích cực. Ngoài việc trực tiếp tổ chức 6 sự kiện tại huyện để chào mừng tuần lễ, huyện còn cử các đoàn nghệ nhân lên TP Kon Tum tham gia các hội thi của tuần văn hóa. Các nghệ nhân tham gia hội thi là những người rất giỏi chuyên môn, được địa phương hỗ trợ tập luyện, được bố trí xe đưa đón.
Nhờ chuẩn bị chu đáo, các nghệ nhân trên địa bàn đã có màn trình diễn đỉnh cao, được Ban tổ chức trao 7 giải. Trong đó, 4 giải cá nhân được ban tổ chức trao cho 3 nghệ nhân vì có thành tích cống hiến xuất sắc trong công tác hỗ trợ luyện tập cho các đội tham gia liên hoan và đạt thành tích xuất sắc trong phần trình diễn chỉnh âm cồng chiêng. 3 giải tập thể gồm giải B, C liên hoan cồng chiêng xoang; giải C tái hiện nghi thức, lễ hội truyền thống dành cho các đội nghệ nhân các thôn Mô Bành 1, Đắk Riếp II (xã Đăk Na). Chung cuộc, đoàn nghệ huyện Tu Mơ Rông đoạt giải B toàn đoàn tham gia.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, trên địa bàn, tỷ lệ đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đây là kho tàng văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, văn hóa cồng chiêng, xoang của đồng bào Xơ Đăng từng đứng trước thách thức bị mai một, nguy cơ thất truyền. Trong định hướng phát triển, huyện Tu Mơ Rông xác định du lịch là một trong các hướng phát triển để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để phát triển du lịch, bắt buộc phải bảo tồn nền văn hóa đồng bào dân tộc Xơ Đăng, trong đó có văn hóa cồng chiêng.
Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn văn hoá đồng bào Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng, tổ chức các lớp dạy đánh chiêng và chỉnh chiêng miễn phí, đưa cồng chiêng vào trường học, thường xuyên tổ chức và tham gia các hội thi để tạo sân chơi giao lưu, học hỏi. Kết quả, văn hóa cồng chiêng ngoài có lớp nghệ nhân gạo cội, nay đã có lớp trẻ kế thừa. Họ thi nhau toả sáng trong các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, mang vinh quang về cho quê hương, dân tộc.
“Việc đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, chứng tỏ công tác bảo tồn văn hoá cồng chiêng, xoang đồng bào Xơ Đăng do huyện triển khai đã đi đúng hướng, đạt thành quả lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy văn hóa cồng chiêng, xoang thông qua việc đẩy mạnh phục vụ cồng chiêng trong du lịch, để đồng bào vừa bảo tồn văn hoá độc đáo của dân tộc mình, vừa giúp họ có nguồn thu nhằm nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”, ông Mạnh nói./.