Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương và sở ngành liên quan xem đề án sản xuất vụ Xuân 2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, căn cứ Đề án của Sở NN&PTNT để xây dựng đề án, kế hoạch sản xuất của địa phương mình phù hợp với điều kiện thực tế và tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất. Thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Xuân cấp huyện; phân công phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước, làm đất sớm, tổ chức diệt chuột, chuẩn bị tốt ruộng làm mạ. Tổ chức chỉ đạo sản xuất một cách quyết liệt; đặc biệt là chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm về lịch thời vụ đối với cây lúa theo từng nhóm thời gian sinh trưởng của giống, gieo mạ có che phủ nilon 100% diện tích để chống rét. Trong thời gian rét đậm, rét hại không bón thúc đạm, hạn chế tối đa việc gieo thẳng lúa để hạn chế chết rét. Tuyệt đối không gieo trồng vào những ngày có nhiệt độ xuống dưới 15°C.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở để nông dân biết và thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật hợp lý để lúa trổ trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trên địa bàn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời hiệu quả các đối tượng dịch hại.
Rà soát lại diện tích trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2025 theo đúng quy định. Tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cung ứng các loại vật tư không đảm bảo chất lượng để bảo vệ tốt quyền lợi của người nông dân.
Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đầu mối mời gọi các tổ chức, cá nhân vào xây dựng, mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng để phát huy hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan để hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc cấp mã số vùng trồng. Đa dạng hóa các kênh bán hàng, khai thác có hiệu quả phương thức bán hàng online, tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm./.