Trồng ớt sạch đăng ký mã số vùng trồng ‘rộng cửa’ xuất khẩu hàng nghìn tấn sang Trung Quốc

Là vùng trồng ớt có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, huyện Chi Lăng hiện có hơn 750ha ớt theo tiêu chuẩn xuất khẩu, gần một nửa diện tích đã được cấp mã số vùng trồng. Mỗi năm thu hoạch khoảng 5.000 tấn ớt cung cấp ra thị trường trong đó chủ đạo là xuất khẩu sang Trung Quốc.
vung-ot-lang-son-01-1713582312.jpg
Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 37 vùng trồng ớt được cấp mã số vùng trồng (36 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 1 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Malaysia).(Ảnh minh họa)

Trồng ớt VietGAP được cấp mã số vùng trồng

Huyện Chi Lăng hiện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Lạng Sơn với hơn 750ha, trong đó khoảng 350 ha đã được cấp mã số vùng trồng với nhiều mô hình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, từ năm 2022, quả ớt đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên số lượng chưa lớn. Nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, địa phương đã phát triển thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy liên kết để tiêu thụ sản phẩm, tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt cho nông dân.

“Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho vụ thu hoạch ớt năm nay, ngay từ đầu Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện Chi Lăng chỉ đạo các xã áp dụng khoa học kĩ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Huyện cũng đã thực hiện cấp mã số vùng trồng và các mã cơ sở đóng gói, để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ớt sang thị trường Trung Quốc.

“Phòng NN&PTNT hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm việc sản xuất ớt theo các quy trình đã được tập huấn. Sau đó phòng thực hiện kiểm định hết sức nghiêm ngặt đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại trên quả để ớt đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Chung cho hay.

vung-ot-lang-son-02-1713582300.jpg
Cây ớt ở Lạng Sơn bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4 và thu hoạch rộ vào giữa tháng 5 đến tháng 6. (Ảnh minh họa)

Dự kiến năm nay, riêng huyện Chi Lăng sẽ thu hoạch khoảng 5.000 tấn ớt. Để khâu tiêu thụ bảo đảm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng ớt trên địa bàn, địa phương đã xây dựng danh sách “khách hàng tiềm năng”, từ đó triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ớt, sở đã phối hợp với Sở NN&PTNT và chính quyền một số huyện có diện tích trồng ớt lớn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, sở đã chủ động gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động thu mua, xuất khẩu ớt ở trong và ngoài tỉnh. Theo đó, trong vụ ớt xuân năm nay, đã có 22 doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên thực hiện thu mua ớt tại địa bàn tỉnh để thực hiện xuất khẩu, hiện ớt thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Chủ động từ vừng trồng đón làn sóng xuất khẩu ớt

Từ năm 2022 trở về trước, sản lượng ớt xuất khẩu của tỉnh Lạng Sơn hầu như không có, bởi thời điểm đó tỉnh chưa chuẩn bị đủ các điều kiện theo yêu cầu về kiểm soát chất lượng, đóng gói sản phẩm. Do vậy, trước khi bước vào vụ ớt năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương và chính quyền các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Quan đã chủ động họp, bàn việc triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ớt quả tươi của tỉnh.

Việc đầu tiên là Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện vận động bà con nông dân mở rộng vùng trồng ớt. Cụ thể, vụ ớt Xuân năm nay, người dân trồng tổng diện tích 1.479 ha, tăng gần 100 ha so với năm 2022. Trong đó, ngoài 2 địa bàn chủ lực là huyện Chi Lăng và Lộc Bình có diện tích trồng ớt lớn thì vùng trồng ớt xuất khẩu đã được mở rộng tại một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Cao Lộc.

Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, để thúc đẩy xuất khẩu ớt, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, chi cục đã phối hợp với 4 huyện (Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan) tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu.

Qua các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức của bà con trồng ớt về các yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu, từ đó tổ chức trồng, chăm sóc, thu hoạch… theo đúng quy trình đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng ớt xuất khẩu. Song song với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện rà soát 34 vùng trồng đã cấp mã số trước đó, đồng thời thực hiện các bước để cấp thêm 3 mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn.

Từ nỗ lực đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 37 vùng trồng ớt được cấp mã số vùng trồng (36 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 1 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Malaysia).

Bên cạnh việc cấp mã vùng trồng, ngành công thương, ngành nông nghiệp và chính quyền các huyện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

vung-ot-lang-son-03-1713582388.jpg
Dự kiến năm nay, riêng huyện Chi Lăng sẽ thu hoạch khoảng 5.000 tấn ớt.(Ảnh minh họa)

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng đánh giá, những năm qua, cây ớt tại địa phương là loại cây đem lại thu nhập kinh tế tương đối ổn định, làm giàu cho nhiều người dân, với giá bán bình quân từ 20.000-25.000/kg, lúc cao điểm giá bán có thể lên đến 50.000/kg. Huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các sở ban ngành để cấp các mã số vùng trồng, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

“Hiện nay đã có 1 số doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói đến địa phương liên hệ, thực hiện bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con. Hy vọng rằng năm 2024 này, Chi Lăng sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, chủ động trong bao tiêu sản phẩm cho người dân và tìm cách giữ giá bán ổn định cho người trồng ớt”, ông Nghĩa tin tưởng.

Theo Sở NN&PTNT, với những lợi thế về đất đai, Lạng Sơn có đủ khả năng để xây dựng vùng trồng ớt xuất khẩu theo một lộ trình bài bản. Để phát triển được vùng trồng ớt, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục rà soát những diện tích có thể xây dựng thành vùng trồng. Đồng thời, chú trọng đến đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã… để tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm ớt của tỉnh.

Mô hình trồng ớt sạch, an toàn với năng suất cao tại Lạng Sơn đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân, giúp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Việc phát triển các vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã... để tiếp tục thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh Lạng Sơn được nhiều người tiêu dùng trên cả nước quan tâm và biết đến./.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt trong tháng 3/2024 đạt 1.523 tấn với trị giá 4,2 triệu USD, tăng mạnh 72,3% so với tháng 2/2024. Trong đó riêng Trung Quốc nhập khẩu đến 1.339 tấn, chiếm gần 88% sản lượng và Lào với 106 tấn, chiếm 7%.

Lũy kế hết tháng 3, nước ta xuất khẩu được 3.141 tấn ớt với tổng kim ngạch đạt 8,1 triệu USD, tăng 17,6% về lượng và tăng mạnh 52,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.610 USD/tấn, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính với 2.753 tấn và 259 tấn, chiếm gần 96% tổng lượng xuất khẩu.

Bình Châu