Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 diễn ra trong thời tiết nắng nóng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển và du lịch trải nghiệm. Tại Thanh Hóa, trong những năm qua, địa phương đã trú trọng việc đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp đón và phục vụ du khách an toàn, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức quy mô, hấp dẫn để thu hút du khách.
Theo báo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chỉ tính riêng 5 ngày của kỳ nghỉ lễ từ 27/4 đến 1/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 27,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số khu, điểm du lịch của tỉnh đã rơi vào tình trạng “quá tải”, đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cụ thể: Thành phố Sầm Sơn đón 905.000 lượt khách; thị xã Nghi Sơn gần 87.000 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) gần 89.000 lượt khách; thành phố Thanh Hóa hơn 65.000 lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) hơn 62.000 lượt khách...
Bên cạnh đó, các điểm du lịch văn hóa, sinh thái trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt đón lượng lớn khách như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) hơn 9.000 lượt khách; Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (Thường Xuân) 3.700 lượt khách; Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) 3.400 lượt khách;...Với lượng lớn khách du lịch, công suất sử dụng phòng trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 82,5%.
Đặc biệt, tại Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) đón gần 12.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, nơi đây còn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều lớp học ngoại khóa hữu ích cho các em học sinh.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng. Để đạt được kết quả trên, ngành du lịch Thanh Hóa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, quan tâm đến giá cả, chất lượng phục vụ du khách. Tỉnh đang hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh, an toàn, gần gũi với thiên nhiên; đẩy mạnh một số phân khúc khách chuyên đề như du lịch Golf, MICE, chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trong năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa phối hợp tổ chức 145 sự kiện, trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm. Đây là cơ hội mới để xứ Thanh sớm đạt mục tiêu trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của cả nước./.