Nâng tầm cây hồi theo hướng hữu cơ
Những năm qua, người dân tỉnh Lạng Sơn chủ yếu áp dụng trồng, chăm sóc hồi theo phương thức truyền thống, không đầu tư chăm sóc bón phân, dẫn đến cây suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, năng suất, sản lượng thấp.
Trước thực trạng đó, UBND các huyện trong vùng trồng hồi đã triển khai giải pháp hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Điển hình như huyện Bình Gia, người dân đã được hướng dẫn sản xuất hồi theo hướng hữu cơ. Năm 2019, từ nguồn vốn thuộc chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng NN-PTNT huyện Bình Gia đã xây dựng mô hình thí điểm sản xuất hồi theo hướng hữu cơ tại thị trấn Bình Gia.
Đến nay, mô hình tiếp tục được mở rộng tại các xã Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Thiện Hòa, Hồng Phong. Theo đó, Phòng NN-PTNT hỗ trợ người dân phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây hồi. Qua đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức, chú trọng chăm sóc, bón phân, cắt tỉa theo kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện toàn huyện Bình Gia có khoảng 8.700ha hồi, trong đó có 150ha hồi hữu cơ, sản lượng hồi khô năm 2023 đạt hơn 2.500 tấn. Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Gia cho biết: "Thời gian tới, để phát triển hồi bền vững, Phòng tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây hồi. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát triển hồi hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng".
Là một trong những hộ tham gia mô hình canh tác hồi theo hướng hữu cơ, ông Vy Văn Tài ở khối Yên Bình (thị trấn Bình Gia) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi trồng hồi theo cách truyền thống, cây hồi kém phát triển, năng suất không cao, thu nhập từ cây hồi thấp. Từ năm 2019, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi trồng và chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ với tổng số 1.000 cây. Nhờ đó, năng suất hồi tăng và ổn định hơn, mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 200 triệu đồng/năm".
Không chỉ ở các huyện, từ năm 2019 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và triển khai 4 mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có khoảng 720ha hồi được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Qua mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, từng bước lan tỏa rộng rãi, hình thành nên các vùng sản xuất hồi hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Vương quốc hồi” rộng đường xuất khẩu
Huyện Văn Quan luôn được coi là “Vương quốc hồi”, với diện tích rừng hồi hơn 14.000ha. Vào mùa thu hái hồi, đến với mỗi thôn bản, mỗi ngọn đồi có rừng hồi đều thoang thoảng hương hồi nồng nàn, trầm ấm xen lẫn gió đại ngàn. Anh Nông Văn Be, ở thôn Đông B, Yên Phúc (Văn Quan) chia sẻ: Năm nay, hoa hồi được mùa, được giá. Hoa hồi phơi khô có giá từ 130 nghìn đến 140 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ 20 tấn hoa hồi tươi thu 500 triệu đồng/năm. Nhờ có hoa hồi, gia đình anh đã xây dựng được nhà ở kiên cố, sắm được các tiện nghi đắt tiền.
Hoa hồi khi hái về, được phơi khô, để tư thương đến tận nhà thu gom. Chị Chu Thị Hạnh, thương lái thu mua hồi, phố Điềm He 2 (Văn Quan) chia sẻ: Để nâng cao giá trị hồi, từ năm 2017, gia đình chị đã đầu tư lò sấy hồi bằng hơi, tăng công suất lên hơn 10 lần so với phơi sấy thủ công. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình thu mua, xuất khẩu hơn 100 tấn hồi.
Ngoài thị trường Trung Quốc, chị Hạnh ký kết hợp đồng xuất khẩu hồi sang Ấn Độ và khu vực Trung Đông... Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan còn có 20 cơ sở chế biến, xuất khẩu hoa hồi. Trong đó có cơ sở của ông Linh Văn Kha, thôn Chợ Bãi 2 (xã Yên Phúc), xuất khẩu hồi đi Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu.
Bí thư Huyện ủy Văn Quan Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Từ năm 2016, huyện ban hành Đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016-2020 với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ. Hiện nay toàn huyện phát triển được hơn 400 ha hồi hữu cơ.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Hiện nay, người dân đã thay đổi tư duy, chú trọng hơn đến việc chăm sóc, bón phân cho cây hồi, nắm được quy trình sản xuất, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, giảm tỷ lệ sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng hồi. Đồng thời, tạo tiền đề để nhân rộng vùng nguyên liệu hồi hữu cơ, hướng tới đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó tăng giá trị sản phẩm hồi".
Lạng Sơn có hơn 43.370 ha rừng hồi, chiếm khoảng 70% diện tích hồi cả nước, trong đó hơn 28.000ha hồi hữu cơ đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hoa hồi khô đạt từ 7.500 đến 16.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm. Tỉnh này cũng xác định hồi là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, giúp người dân trong tỉnh nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo./.