Đến cao nguyên Di Linh, chúng tôi như có cảm giác trải qua bốn mùa trong ngày: Mùa xuân thoảng qua vào vào buổi sáng sớm, đến buổi trưa chuyển sang mùa hạ, tới chiều tà vào thu và chuyển qua đông lạnh khi màn đêm buông xuống. Thời tiết trên cao nguyên gió ngàn luôn cuốn hút những người thích xê dịch, khám phá, sinh tồn ở trong những khu rừng già.
"Sơn nữ quyến rũ ngủ quên trong rừng"
Cao nguyên Di Linh được nhiều người ví von như “Sơn nữ quyến rũ ngủ quên trong rừng” bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ nhưng vẫn mềm mại, nên thơ, chờ đợi chúng tôi khám phá, chinh phục.
Vì sao chúng tôi lại ví Di Linh như một “nàng sơn nữ” ẩn mình ngủ quên trong rừng? Bởi khi nhắc đến Lâm Đồng, người ta thường du lịch Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa, sương mù bao phủ hay đến cao nguyên Lang Biang, hoặc Bảo Lộc chứ ít ai ghé cao nguyên Di Linh với những thác nước, hồ đập, núi non…trùng điệp cả.
Di Linh, tên gọi có nguồn gốc từ Djiring - vị chủ làng thành lập ra buôn này, là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng nằm cách xa Đà Lạt về phía Nam khoảng chừng 80km. Di Linh nằm ở độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, có tài nguyên nước, rừng, chuỗi cảnh quan đẹp, nhất là hệ thống hồ đập tự nhiên phân bố trên toàn địa bàn. Với địa hình tự nhiên nhiều đồi núi trập trùng và những con đèo quanh co uốn lượn tạo cho Di Linh mang đậm vẻ đẹp tiềm ẩn của miền sơn cước dịu dàng, quyến rũ, mê đắm lòng người.
Từ quốc lộ 20, du khách sẽ cảm nhận không khí thoáng mát, trong lành đặc trưng của vùng đất cao nguyên, với khung cảnh đồi núi xanh mát, trùng điệp ngút ngàn tầm mắt. Ấn tượng mạnh nhất trên cao nguyên Di Linh là dòng thác Bobla nguyên sơ, hùng vĩ cao trên 50m, rộng 20m trông như một dải lụa trắng tinh, bọt tung trắng xóa.
Bobla là một thác nước đẹp nằm giữa hai ngọn đồi đổ nước xuống lòng hồ tạo nên âm thanh vang vọng khắp núi rừng. Thiên nhiên phân bổ cho vùng đất Lâm Đồng với nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Đà Lạt có đèo Prenn huyền ảo, cuốn hút, vùng đất Bảo Lộc có thác Dambri, đằm thắm mơ màng thì cao nguyên Di Linh lại có thác Bobla hoang dã, núi Brăh Yàng nguyên sơ.
Thiên nhiên ở đây đẹp như trong tranh, thác nước nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hai bên thác là vách đá cao phủ đầy rong rêu, rễ cây cổ thụ buông xuống. Tất cả cùng tạo nên vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa huyền bí của núi rừng cao nguyên Di Linh.
Địa danh tiếp theo của Di Linh là danh lam thắng cảnh Hồ Ka La, với diện tích mặt hồ hơn 300 ha, nằm ôm ấp bao quanh ngọn núi hung vĩ Brăh Yàng. Đây là nơi gắn với nhiều câu chuyện huyền thoại của người K'Ho tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, mang sắc màu huyền bí.
Đến với Ka La, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh và hít thở khí trời, du khách sẽ được trải nghiệm với các hoạt động của bãi cắm trại du lịch Kala Campark đi kèm thưởng thức ẩm thực, không gian check in lãng mạn cùng các hoạt động giao lưu âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá cung đường hơn 20 km xung quanh hồ Ka La với các hoạt động thú vị như đạp xe, chạy bộ, trekking, chụp hình cảnh quan rừng núi, hồ, ruộng bậc thang, thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp.
Theo dấu chân của người K’Ho
Cao nguyên Di Linh là nơi sống chung với hơn 41% đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là “cái nôi” của người K'Ho nên văn hóa Di Linh mang đậm sắc thái đồng bào Tây Nguyên. Qua giới thiệu của người bạn đồng bào K’Ho Srê là anh Mul K’Vang, chúng tôi đến nghỉ trong căn nhà gỗ cổ kính ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh. Chủ nhà là anh Nhoi Mur, cũng là người K’Ho Srê rất mến khách.
Gia đình anh Nhoi Mur đón chúng tôi nồng hậu với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây như món cà đắng da trâu, măng chua nấu tôm suối, đọt mây nấu cà chua rẫy (biap pài gòl mờ blơn sút), lá bép (bap nge pài) với cá khô và thịt gác bếp nấu trong ống lồ ô, cả món cháo bí đỏ đậm đà vị khó tả mà chúng tôi chỉ biết gọi là hương vị núi rừng.
Càng thú vị hơn khi được tìm hiểu cuộc sống của đồng bào của anh Nhoi Mur qua các chuyến lên rẫy. Dưới những gốc cà phê ngỡ như là cỏ bụi tôi mém dẫm lên thì anh nhanh tay bứt lấy bảo đây là rau nút áo (n’ha kơ loan). Rồi anh giới thiệu nào lá mì (n’ha blàng), ngọn ớt (nhà mré), đọt dớn (rơ tuơn), cà đắng (prền tăng), cà gai (prền jùn), cà dẻo (blơn ngan), cà chua rẫy trái nhỏ chỉ nhỉn hơn hạt đậu tí chút (blơn sut), v.v.
Chúng tôi theo chân anh Nhoi Mur để hái đủ nguyên liệu để chuẩn bị cho những ngày sinh tồn trong rừng sâu. Trong đó, cây chuối rừng được người đồng bào khai thác, sử dụng như là thần dược. Từ thân, củ, quả hay hoa chuối, đồng bào chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo.
Cây chuối rừng mọc hoang khắp núi rừng thành từng vùng. Từ nơi trũng thấp đến đỉnh đồi, cây chuối rừng đều có thể thích nghi, phát triển. Người đi rừng thành thạo chỉ cách chặt cây chuối rừng, lấy phần thân chẻ dọc rồi nhai như mía để giải khát. Trong thân cây chuối có nhiều nước và dưỡng chất tốt cho cơ thể đang bị mệt. Cũng chính vì vậy, người đồng bào dân tộc gọi là “thần dược” của núi rừng. Thân chuối sau khi chặt hạ sẽ được bóc tách hết lớp vỏ ngoài. Phần lõi bên trong còn lại được gọi là nõn chuối. Nguyên liệu này có thể dùng để ăn sống hoặc chế biến món ăn đặc sản.
Món nõn chuối thái mỏng chấm với muối ớt xanh. Nhiều gia đình còn luộc sơ qua nõn chuối để loại bỏ bớt mủ và vị chát của nguyên liệu. Món ăn bình dị nhưng lại kích thích được vị giác khi có sự hòa trộn của chút vị chát, giòn ngọt, thanh mát của nõn chuối cùng vị mặn mặn, cay cay của muối ớt rừng.
Bắp chuối rừng được đồng bào xem là một trong những nguyên liệu, nguồn thực phẩm quý của núi rừng. Bắp chuối rừng cũng được chế biến thành nhiều món ăn dân dã, ngon miệng, khi sống sót trong rừng. Cây chuối rừng đi vào đời sống tâm linh, trở thành lễ vật và sợi dây kết nối giữa con người với thần linh.
Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên đều biết sống dựa vào thiên nhiên. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh lửa bập bùng, tiếng gỗ cháy tí tách, làn khói bếp bảng lảng như sương như ảo, mọi người quây quần bên bếp lửa thưởng thức men rượu cùng các món ăn của núi rừng. Những câu chuyện mang màu sắc sử thi về tổ tiên người K'Ho khai mở vùng đất Di Linh, về câu chuyện ngọn núi cao nhất Di Linh nơi ngày xưa chàng Brăh lấy nàng tiên trên núi trở thành thần (Yàng) cai quản ngọn núi mang tên là Brăh Yàng./.