Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và chưa hồi phục hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19.
Chia sẻ về tình hình doanh nghiệp hiện nay, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với thách thức lớn từ quá trình hội nhập và chuyển đổi số, cùng với khó khăn từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến 87% trong số họ, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm lớn từ 50-90% trong doanh thu so với trước đại dịch, một số doanh nghiệp thậm chí đã phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về những khó khăn hiện tại của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: 52% doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong khi 32% doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận vốn; 25% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính còn rườm rà, ngoài ra, thiếu nhân sự chất lượng cao cũng là một vấn đề gây trở ngại đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, Bộ Công Thương có Quyết định số 1003 ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ. Theo đó, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương được ban hành với mục đích cung cấp thông tin pháp luật; tư vấn pháp luật; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Thông qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương.
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, không chồng chéo, trùng lặp và thực hiện đầy đủ nguyên tắc, nội dung hỗ trợ pháp lý cho loại hình doanh nghiệp này đã được quy định.
Gắn kết chặt chẽ giữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Về hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý trọng tâm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024, gồm: cung cấp thông tin; tư vấn pháp luật; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, các hoạt động, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương như sau: cung cấp thông tin; công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương; tiếp nhận, nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vưaf giai đoạn 2021-2025.
Kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động tại kế hoạch này được bố trí trong dự toán của cơ quan, đơn vị và được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa./.