Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa – Bài 1: Khi Nhà nước và nhân dân cùng làm

Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", những năm qua, cuộc vận động xây Nông thôn mới tại Thanh Hóa đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi. Qua đó, tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
nong-thon-moi-2-1714717722.jpg
Phong trào hiến đất làm đường tại Thanh Hóa nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân

Nghị quyết số 587/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được sức mạnh các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc “chung tay xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần xây dựng nên những miền quê “đáng sống”, những khu đô thị văn minh, giàu đẹp.

Con đường của “ý Đảng, lòng dân”

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách, Nghị quyết để cổ vũ phong trào quần chúng nhân dân trong xây dựng NTM và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây là nền tảng vững chắc để xứ Thanh thực hiện thắng lợi các mục tiêu tiếp theo.

Trong đó, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” đã nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường giao thông được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo ra diện mạo khang trang, sạch đẹp, hình thành nên nhiều miền quê đáng sống.

nong-thon-moi-3-1714717931.jpg
Nhờ phong trào hiến đất mà đường làng, ngó xóm rộng thênh thang

Tính riêng giai đoạn 2021- 2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.

Điển hình như hộ ông Lê Quang Hòa, Thôn Thạch Khê Tiên (xã Đông Khê huyện Đông Sơn) đã đã hiến 150 m2 đất ở, cùng các công trình: Nhà ở cấp 4, diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo 40m2, 50m tường rào, với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thông. Hay như gia đình ông Phan Xuân Thịnh, thôn 5 xã Đông Minh (Đông Sơn) đã hiến hơn 250m2 đất ở, giá trị trên 2 tỷ đồng, động viên con cháu, người thân trong gia đình hiến đất và các công trình trên đất, góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM kiểu mẫu của thôn và xã… Ngoài ra còn nhiều hộ dân đã tự giác tháo dỡ các công trình tường rào, nhà ở để chung sức mở rộng con đường giao thông.

Nhìn những con đường, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, ông Thiều Sỹ Trung, trú tại thôn Phúc Triền 1 xã Đông Thanh đã không dấu được cảm xúc: “Trước kia đường nhỏ nên việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là những nhà có đình, đám, đi lại rất bất tiện. Nay đường rộng thênh thang như thế này là người dân chúng tôi vui lắm rồi, xe ô tô có thể thoải mái vào tận nhà”.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã huy động sức dân đóng góp trên 265 nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, trên 35.750 ngày công, nạo vét khơi thông, cải tạo và xây mới 95km kênh mương, cống rãnh; phát quang 135km đường liên xã, liên thôn; xử lý trên 536.000m3 rác thải. (Điển hỉnh là các huyện: Triệu Sơn; Như Thanh, Thọ xuân, Thiệu Hoá, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoàng Hoá). Xây dựng 161 mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, trong đó: 75 Mô hình khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, 47 mô hình khu dân cư tự quản về môi trường; 39 khu dân cư an toàn thực phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 100% kế hoạch); có 360 xã (đạt 97,48% kế hoạch) và 717 thôn (bản) miền núi đạt chuẩn NTM; 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 123,13% kế hoạch); 16 xã (đạt 96,52% kế hoạch) và 411 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 464 sản phẩm OCOP được công nhận. Bình quân toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Nghe dân nói, nói dân hiểu

Phát huy sức mạnh của toàn dân trong xây dựng NTN, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, gắn với các phong trào thi đua. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan truyền thông, các ngành, các địa phương và các tổ chức đoàn thể tiếp tục thực hiện công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM theo hướng bền vững, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, chú trọng giới thiệu các mô hình hay, các điển hình tiên tiến về hiến đất trong xây dựng NTM. 

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp.

nong-thon-moi-1-1714718096.jpg
Mô hình Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh của Hội phụ nữ tỉnh được triển khai hiệu quả

Ngoài ra, các phong trào thi đua của các đoàn thể trong tỉnh về xây dựng NTM cũng được chú trọng và phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tiêu biểu như: Tỉnh Đoành Thanh Hóa có phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng và nhân rộng các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”; “Đường hoa, đường tranh, hàng cây”; Hội Nông dân đã tập trung tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, tổ chức cho nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

Ông Lê Tiến Dũng - UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn cho biết: Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn gặp một số khó khăn đó về nguồn lực ngân sách, nhiều địa phương không có nguồn thu để xây dựng phương án hỗ trợ cho Nhân dân. Ngoài ra, trên toàn huyện phải di dời 12.000 cây cột điện các loại trên các tuyến đường gây khó khăn cho các địa phương…

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, phát huy động được sức mạnh toàn dân, những người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững chủ trương, quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích thiết thực, lâu dài sau khi mở rộng đường giao thông nông thôn, các phương án hộ trợ của địa phương. Kiên trì thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ vận động những hộ gia đình đồng thuận cao tuyên truyền vận động những hộ chưa đồng thuận để tạo sự đồng thuận trong khu dân cư. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện”.

Với sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong phong trào xây dựng NTM đã trở thành phong trào của quần chúng nhân dân, nhất là phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí theo quy định. Là bước đệm để Thanh Hóa hoàn thành các chỉ tiêu tiếp theo, sớm vươn lên thành tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước./.

Bài 2: Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa – Gỡ khó trên bản vùng cao

Hà Khải